Mới đây, hình ảnh một em bé bụ bẫm, chân tay có rất nhiều ngấn được lan truyền trên mạng Internet khiến nhiều người thích thú. Nhưng sự thật là em bé này mắc căn bệnh hiếm gặp - Bệnh Michelin.

 


Với bệnh Michelin, bất thường về ngấn khắp tứ chi có thể tự khỏi sau một tuổi. Dù tự hết nhưng nếu không điều chỉnh chế độ ăn, trẻ có thể chuyển sang bệnh béo phì dạng nặng. ảnh: TL

Tại Bệnh viện Nhi Đồng II, sau khi thăm khám, các bác sĩ nghi ngờ bé H mắc bệnh Michelin. Các bác sĩ tiến hành xét nghiệm, sinh thiết da và xác định, bệnh nhi bị rối loạn da vùng hạ bì, tạo thành những bó cơ trơn nằm rải rác cùng với các tế bào mỡ. Trẻ mắc bệnh do bị tổn thương nhiễm sắc thể số 1 hay số 7.

Theo BSCKII Chung Thị Mộng Thúy (Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ), bà đã gặp không ít trường hợp hỏi về tình trạng các em bé dù chỉ mới 2 tháng rưỡi, bố mẹ đánh giá là không bụ bẫm nhưng tay, chân có rất nhiều ngấn, khác với các bé bình thường và rất to. Hiện tại bé không có biểu hiện gì khác thường ngoại trừ việc người bé hay uốn éo, cong như con tôm. Có bà mẹ lo lắng con mình 3 tháng nhưng nặng tới 7,5kg, chân tay có nhiều ngấn nên hoang mang: Không biết con mình có bị bệnh Michelin hay không?

Làm thế nào để phát hiện bệnh?

BS Thúy cho biết, sở dĩ y khoa gọi bệnh này là Michelin vì người mắc bệnh có hình dáng cơ thể giống như logo của hãng sản xuất lốp xe Michelin. Nhân vật này “bụ bẫm” với nhiều ngấn khắp tứ chi. Bệnh Michelin được tác giả Ross mô tả đầu tiên vào năm 1969. Hiện nay, tỷ lệ trẻ mắc bệnh này còn ít nên chưa có thống kê số người mắc trong cộng đồng. Thông thường bệnh này hay gặp ở những trẻ bụ bẫm hoặc béo phì với nhiều ngấn ở tứ chi, đối xứng nhau.

Là bệnh hiếm gặp, trẻ mắc Michelin thường kèm đa dị tật ngoài những bất thường ở các nếp gấp tay, chân, cổ như chẻ vòm, thoát vị niệu đạo, dị dạng mặt, dị dạng cơ quan sinh dục, chậm phát triển trí tuệ...

Với bệnh Michelin, bất thường về ngấn khắp tứ chi có thể tự khỏi sau một tuổi. Dù tự hết nhưng nếu không điều chỉnh chế độ ăn, trẻ có thể chuyển sang bệnh béo phì dạng nặng. Lúc đó, việc điều trị béo phì không đơn giản, trẻ dễ bị thêm nhiều bệnh khác như: cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường, mỡ máu…

Theo BS Thúy, trẻ bụ bẫm thường tay, chân có nhiều ngấn. Nhưng trên thực tế một số bà mẹ dù con mình đã bị thừa cân nhưng vẫn khăng khăng cho rằng con mình “ốm”,cần ăn nhiều hơn nên khiến trẻ có thể đã bị bệnh lại càng nặng hơn.

Nếu băn khoăn con có bị bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Nhi để xét nghiệm và sinh thiết da để xác định chẩn đoán những khoảng ngấn của con là bình thường hay bất thường. Từ đó để có hướng can thiệp phù hợp.

TS Lê Bạch Mai - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Trung bình một năm nước ta có khoảng 95.000-100.000 trẻ bị thừa cân béo phì. Nếu như năm 2000, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì tại Việt Nam chỉ là 0,62% thì 10 năm sau con số này đã là 5,6% (tương đương khoảng 400.000 trẻ). Tỷ lệ này tại Đà Nẵng là gần 10%, TPHCM là 9,6%.

Điều rất dễ gặp là nhiều phụ huynh vẫn quan niệm: Trẻ phải bụ bẫm, mập mạp mới đáng yêu (?!).Ngay cả khi đến khám dinh dưỡng, bác sĩ bảo con đủ cân nặng, chiều cao thì bố mẹ vẫn muốn con lên cân nữa để "dư một tý". TS Lê Bạch Mai khuyến cáo: Cha mẹ đừng biến con từ tránh khỏi suy dinh dưỡng sang "vực thẳm" thừa dinh dưỡng. Điều này rất tổn hại đến sức khỏe và tăng trưởng sau này của trẻ. Nghiên cứu tại một trường học ở quận Hai Bà Trưng của Hà Nội gần đây cho thấy có gần 60% trẻ thừa cân béo phì đã rối loạn thiếu máu rất sớm.

Theo các chuyên gia, trẻ bị thừa cân béo phì ở tuổi ấu thơ rất dễ gặp tình trạng này khi trưởng thành với hậu quả nặng nề, Nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch và bệnh mãn tính khác.
 

Theo Quỳnh An/Gia đình

.