Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại Hội nghị quốc tế phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 25-26/8.

 


Trong 3 thập kỷ qua, thế giới chứng kiến sự xuất hiện liên tục của nhiều bệnh mới nổi nguy hiểm, lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao có nguồn gốc từ động vật sang người như: SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola... Ước tính 60% các bệnh của con người, 75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), xác nhận, tại Việt Nam, các bệnh từ động vật từng được phát hiện từ thế kỷ trước vẫn lưu hành, ghi nhận nhiều ca mắc và xuất hiện các ổ dịch như: bệnh than (từ trâu, bò); bệnh dại (do vi rút từ chó dại), dịch hạch (mầm bệnh từ chuột).

Trong đó, mỗi năm, Việt Nam vẫn ghi nhận 30 - 100 ca tử vong do bệnh dại dù đã có vắc xin. Ổ dịch bệnh than vẫn xuất hiện tại một số tỉnh miền núi trong các năm 2013 - 2014 và vẫn chưa thể loại trừ. “Đặc biệt, liên cầu lợn là bệnh mới nổi nguy hiểm. Vi khuẩn chỉ có ở lợn, rất ít ca bệnh trên người nhưng trong 4 - 5 năm trở lại đây, bệnh đã xuất hiện thường xuyên, các bệnh nhân tử vong do viêm não, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng”, ông Phu cho biết.

Theo ông Phu, nguy hiểm của các bệnh có nguồn gốc từ động vật là khó phát hiện sớm bởi chúng là tác nhân mới gây bệnh trên người. Ngay cả khi phát hiện thì việc điều trị cũng khó khăn bởi chưa thể hiểu hết đặc tính, độc lực, các thuốc, hóa chất có thể tiêu diệt.

“Đáng lo ngại, vi rút, vi khuẩn từ động vật sang người thường có độc lực mạnh, gây bệnh cảnh nặng do cơ thể người chưa có kháng thể miễn dịch, từ đó khiến nguy cơ tử vong rất cao. Tỷ lệ tử vong do cúm gia cầm H5N1 đã từng lên đến 50 - 80% trong giai đoạn đầu vụ dịch. Ngay cả bệnh dại, dù đã lưu hành rất lâu dài, có vắc xin, thế hệ mới nhưng khi đã lên cơn dại thì tử vong là 100%”, ông Phu nói.

Theo các chuyên gia, để phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được các bệnh dịch trên động vật, chăn nuôi đúng khoa học, vệ sinh môi trường, chuồng trại, nếu phát hiện có trường hợp mắc bệnh phải thực hiện các biện pháp tiêu hủy theo quy định. Không được giết mổ bừa bãi, thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh, không ăn thức ăn sống hoặc chưa được chế biến kỹ. Người dân sử dụng các phương tiện phòng hộ khi lao động, tiếp xúc với các động vật trong các trang trại hoặc trong thiên nhiên.

 

Theo vnmedia.vn

.