(BVPL) - Việc thiếu vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1đã diễn ra từ khá lâu, thế nhưng phải đến đỉnh điểm là vụ người dân chen lấn xô đẩy dẫn đến ngất xỉu như báo chí phản ánh trong tuần vừa qua đã thực sự trở thành vấn đề nghiêm trọng.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, vắc xin 5 trong 1 của Chương trình tiêm chủng mở rộng tại khoảng 12.000 điểm trên cả nước đảm bảo an toàn. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thay vì bị động chờ đợi vắc xin dịch vụ, rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ và gây nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Quinvaxem là vắc xin phối hợp phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib trong một mũi tiêm. Đây là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi – đối tượng dễ mắc những bệnh này ở Việt Nam.
Trên toàn thế giới, Quinvaxem được sử dụng phổ biến tại 94 quốc gia với hơn 450 triệu liều đã được cung cấp, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chống lại các dịch bệnh nguy hiểm.
Tại Việt Nam, vắc xin Quinvaxem được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) để tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi từ tháng 6/2010. Vắc xin được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cung ứng cho Việt Nam và phân bổ đến các địa phương để sử dụng đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc theo lịch tiêm chủng 03 mũi vào các thời điểm 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng tuổi.
Cũng theo Bộ Y tế, từ khi triển khai đến nay, đã có khoảng 25 triệu mũi tiêm Quinvaxem được thực hiện, với tỷ lệ tiêm chủng 3 mũi vắc xin hàng năm đạt trên 90%. Trong năm 2015, cũng đã có 4,8 triệu liều vắc xin được tiêm chủng cho trẻ tại tất cả các điểm tiêm chủng xã/ phường trên cả nước. Các kết quả nghiên cứu đánh giá cho thấy, hơn 97% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bệnh do vi khuẩn Hib gây ra sau tiêm chủng 3 liều cơ bản với Quinvaxem. Hơn 91% trẻ em được bảo vệ chống lại bệnh Viêm gan B sau khi tiêm chủng vắc xin theo lịch mà chưa được tiêm chủng vắc xin viêm gan B vào lúc sinh.
Vì vắc xin Quinvaxem có chứa thành phần toàn tế bào nên có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng như: sốt, đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, trẻ quấy khóc,... nhưng đạt hiệu quả miễn dịch tốt hơn vắc xin chứa thành phần vô bào. Trong khi đó, tỷ lệ phản ứng nặng và trường hợp tử vong so với vắc xin chứa thành phần vô bào như Pentaxim là như nhau.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên cho trẻ đi tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem tại gần 16.000 điểm tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ trên cả nước. Vắc xin Quinvaxem đã được đảm bảo an toàn và hiệu quả. Vì vậy, phụ huynh có trẻ đến thời gian cần tiêm chủng mà chưa tiêm vắc xin hoặc chưa đăng ký được vắc xin dịch vụ nên đến ngay các điểm tiêm chủng tại xã, phường để được tiêm Quinvaxem kịp thời, bảo vệ sức khỏe của trẻ, phòng tránh nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng.
Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương vừa qua, sau khi nghe báo chí phản ánh về tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo.
Theo đó, các chuyên gia của Bộ Y tế cho biết, vắc xin Quinvaxem có tác dụng phòng bệnh có phần tốt hơn vắc xin Pentaxim vì sử dụng công nghệ nguyên bào. Vắc xin Quinvaxem có tỷ lệ gây phản ứng cao hơn nhưng không đồng nghĩa với tỷ lệ tử vong cao hơn. Các trường hợp tử vong do tiêm vắc xin Quinvaxem thường xảy ra ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, còn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chưa xảy ra trường hợp nào tử vong. Lý do dẫn đến tử vong không phải do vắc xin, mặc dù phản ứng của vắc xin Quinvaxem nhiều hơn. Tử vong chủ yếu do liên quan đến quá trình vận chuyển vắc xin, do sàng lọc trước khi tiêm và xử lý cấp cứu sau khi tiêm nếu có sự cố. Vắc xin Pentaxim tiêm nhiều thì cũng sẽ có phản ứng, có tử vong nếu các vấn đề nói trên không được cải thiện.
Xung quanh vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ, Việt Nam là nước duy nhất hiện nay trên thế giới có 2 hệ thống tiêm chủng vắc xin, đó là Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, không nước nào trên thế giới có 2 hệ thống như vậy. Đây là hệ quả của cơ chế chuyển dịch từ bao cấp sang xã hội hóa từ nhiều năm và đã tới lúc cần phải thay đổi.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần nói rõ, nói đúng sự thật về những vấn đề này để nhân dân hiểu đúng. Đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng lộ trình để tới năm 2020 chỉ còn một cơ chế tiêm mở rộng như các nước. Khi đó Nhà nước sẽ chọn 1 hoặc một số loại vắc xin cho mỗi loại bệnh và người dân sẽ được tiêm miễn phí, dù chọn loại vắc xin nào. Cùng với đó, Bộ Y tế cần thúc đẩy chương trình đầu tư sản xuất vắc xin để có thể chủ động hơn.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế cũng đang xây dựng một Nghị định về tiêm vắc xin để giải quyết căn bản những vấn đề đặt ra liên quan tới tiêm chủng, trong đó có vấn đề tính đúng, tính đủ giá tiêm vắc xin để khắc phục tình trạng cùng một cán bộ y tế, cùng một cơ sở y tế nếu tiêm vắc xin mở rộng thì công tiêm được Nhà nước, bảo hiểm trả thấp hơn tiêm dịch vụ dễ dẫn tới xu hướng tự nhiên là hướng người dân tiêm dịch vụ.
Hoàng Trâm