(BVPL) - Trong vài tuần gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận khoảng 20 trẻ bị mắc ho gà có biến chứng viêm phổi, hơn 10 trẻ mắc thủy đậu. Tại bệnh viện E cũng đã tiếp nhận hơn 20 ca mắc thủy đậu cả ở người lớn và trẻ nhỏ. Theo các thầy thuốc, mùa xuân thường là thời kỳ cao điểm gây nên bệnh ho gà, thủy đậu. Nếu không có biện pháp dự phòng thì nguy cơ bùng phát dịch có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

 


TS. Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương nhận định: Dịch bệnh thủy đậu thường kéo dài đến hết mùa xuân. Những ngày qua, số bệnh nhi bị mắc thủy đậu nhập viện tăng cao. Chỉ trong một tuần, đã có hơn 10 bệnh nhi nhập viện. Có những ngày Khoa Truyền nhiễm đón 3-4 bệnh nhân. Đáng chú ý, có những bệnh nhi sơ sinh mới vài tuần tuổi bị lây thủy đậu từ mẹ. Tuy đây là một bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, viêm màng phổi, viêm não. Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 – 10 ngày dẫn đến việc phải nghỉ học. TS. Nguyễn Văn Lâm cũng hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu, để tránh cho trẻ bị nặng và biến chứng: Vì là bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch. Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

Còn với bệnh ho gà thì việc tiêm phòng được thực hiện cho các bé từ 2 tháng tuổi trở lên, xong thời gian vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận nhiều trẻ dưới 1 – 2 tháng tuổi mắc bệnh này. Với triệu chứng ban đầu là các cơn ho nhiều gia đình nghĩ rằng con em mình chỉ mắc bệnh về đường hô hấp thông thường. Sau này khi cơn ho trầm trọng gia đình mới đưa các em vào viện. Một bà mẹ có con mắc bệnh ho gà bị biến chứng viêm phổi cho biết: “Mới đầu các cháu chỉ húng hắng ho, sau đó ho tím tái mặt từng cơn một. Mặc dù chỉ ho có mấy ngày thôi nhưng bệnh diễn biến rất nhanh đến bệnh viện bác sĩ đã chẩn đoán là viêm phổi nặng…”.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, nhiều trẻ bị ho gà chưa được tiêm phòng vắc xin hoặc tiêm chưa đủ mũi, thậm chí có trẻ còn chưa đến tuổi tiêm phòng. Ho gà ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong mùa đông xuân, như hiện nay thường kèm theo biến chứng viêm phổi, trẻ có những cơn ho rũ rượi, sau ho trẻ có nôn trớ nhiều, nếu không biết chăm sóc trẻ dễ bị sặc chính chất nôn đó dẫn đến viêm phổi nặng.

Các bác sĩ cho biết, đối với trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà thì bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh, tỉ lệ tử vong lên đến 90%. Vì vậy việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng…

Theo ThS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà rất nặng rồi mà không được phát hiện thì một trong những biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải là cơn ngừng thở trong những cơn ho. "Đứa trẻ ho vài tiếng sau đó có thể ngừng thở ngay, lúc đó cần kích thích vào đứa trẻ (vỗ nhẹ chẳng hạn) để trẻ có thể thở lại như bình thường. Cha mẹ nên cho trẻ nằm nghiêng sang một bên tránh sặc khi nôn trớ dễ gây viêm phổi nặng"- ThS. Hải khuyến cáo.

Với những bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc như thủy đậu, ho gà biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi kho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày…
 

PV

.