(BVPL) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc đến năm 2018, 100% CBCS Công an tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Năm 2016, Bảo hiểm xã hội (BHXH) CAND đã triển khai thực hiện BHYT ở 10 đơn vị (khoảng 15%). Ngoài ra, BHXH CAND cũng phát thẻ BHYT cho khoảng 500 CBCS mắc bệnh nặng, điều trị dài ngày. Năm 2017, BHXH CAND sẽ tiếp tục triển khai thực hiện BHYT nâng tổng số CBCS tham gia BHYT đạt khoảng 85% và đến tháng 6-2018 đảm bảo 100% CBCS tham gia BHYT. 
 
Và với chính sách thông tuyến huyện trong KCB, CBCS Công an có thẻ  BHYT sẽ được KCB ở tất cả các BV tuyến huyện trong toàn quốc. CBCS có thẻ BHYT còn được lựa chọn và hưởng lợi từ trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị y tế tiên tiến của y tế trong CAND cũng như y tế quân, dân y, do đó đã tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.  Số CBCS mắc bệnh nặng, điều trị dài ngày, có thẻ BHYT khi đi điều trị đã được thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi, quyền lợi được hưởng, góp phần giảm bớt khó khăn và tạo điều kiện cho CBCS an tâm điều trị. Đặc biệt, với Thông tư 43 Quy định biện pháp thực hiện BHYT đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND ban hành tháng 10-2016, CBCS Công an tham gia BHYT sẽ có nhiều quyền lợi. Nếu đi KCB BHYT đúng quy đinh, CBCS sẽ được thanh toán chi phí KCB, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con; chi phí vận chuyển. 
 
Đại tá, TS. Nguyễn Khắc Thủy, Phó Cục trưởng Cục Y tế kiêm Phó Giám đốc BHXH CAND cho biết, sau một năm triển khai thực hiện BHYT cho thấy, việc tham gia BHYT mang lại nhiều lợi ích cho CBCS. CBCS được chủ động trong đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB phù hợp với nơi ở và đơn vị công tác. 
 
Ngoài ra, khi KCB đúng theo quy định, CBCS có thẻ BHYT ngoài phạm vi được hưởng BHYT còn được chi trả các chi phí KCB khác, gồm thuốc, hóa chất, vật tư y tế được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và các dịch vụ kỹ thuật y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo chỉ định của chuyên môn. Điểm mới trong Thông tư là việc thanh toán chi phí vận chuyển tăng. Trước đây, chi phí vận chuyển cho CBCS trong KCB chỉ được tính từ cơ sở y tế này đến cơ sở y tế kia, còn nay, phí vận chuyển được tính từ nhà, nơi công tác, làm việc, học tập tới nơi đăng ký KCB ban đầu; từ nơi KCB cuối cùng về nhà, hay nơi công tác, học tập, theo mức bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách thực tế giữa 2 cơ sở KCB.
 
Mức hưởng phí vận chuyển áp dụng với phương tiện vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường sắt hạng phổ thông. Nếu vận chuyển bằng đường thủy được quy đổi hải lý sang kilômét và đường hàng không được áp dụng như với đường bộ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện BHYT trong lực lượng Công an đang gặp nhiều khó khăn. Theo Luật KCB yêu cầu các cơ sở y tế phải có giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề của cán bộ y tế và phải đáp ứng đủ yêu cầu đó, BHXH Việt Nam mới ký hợp đồng KCB BHYT. 
 
Một vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện BHYT trong lực lượng Công an là việc thông tuyến huyện trong KCB đã tạo thuận lợi cho CBCS trong KCB bằng thẻ BHYT, nhưng lại gây khó khăn cho công tác quản lý sức khỏe CBCS. Vì hiện tại BHXH CAND chưa kết nối phần mềm khám, chữa bệnh giữa BHYT với các BV trong toàn quốc. Việc quản lý sức khỏe CBCS chưa được chỉ đạo thống nhất vì chưa có hướng dẫn cụ thể.
 
Để khắc phục những vướng mắc trên, nhằm đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành tham gia BHYT cho CBCS Công an vào năm 2018, Bộ Công an đã làm việc với Bộ Y tế để đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở KCB trong CAND. Dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ việc cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề cho y, bác sĩ tại các cơ sở KCB CAND trong năm 2017.
 
Bảo Anh