(BVPL) - Theo dự kiến trong tháng 11 tới, liên Bộ Y tế, Tài chính, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ ban hành Thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, từ tháng 11/2015 các bệnh viện sẽ đồng loạt áp dụng giá viện phí mới cho khoảng 1.800 dịch vụ y tế. Giá dịch vụ này bao gồm: chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật). Theo Thông tư, giá dự kiến tăng trong năm 2015 bao gồm: Giá khám bệnh (theo hạng BV); giá ngày giường (theo hạng BV và chuyên khoa, các khoa chi phí nhiều như: cấp cứu, hồi sức sẽ được quy định cao hơn) và giá dịch vụ kỹ thuật sẽ áp dụng chung cho các hạng BV. Như vậy, đây là đợt điều chỉnh viện phí thứ hai của ngành Y tế sau 3 năm kể từ lần đầu tiên điều chỉnh giá dịch vụ.

 


Khi được hỏi, không ít người bệnh đã tỏ ra băn khoăn khi biết viện phí sắp được điều chỉnh trong tháng tới. Nếu tính đơn giản lần điều chỉnh này tăng khoảng 20% so với khung giá hiện tại thì mức đồng chi trả của người bệnh từ đối tượng cận nghèo đến công nhân, viên chức cũng sẽ dao động tăng trong khoảng 5 – 20%. Một bệnh nhân ở Hà Nội cho rằng: Viện phí tăng theo lộ trình đã được các cơ quan tính toán, song điều người bệnh cần nhất vẫn là chất lượng phục vụ...

Với 4.000 – 5.000 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh một ngày, tình trạng quá tải rồi phải chờ đợi lâu ở Bệnh viện Bạch Mai vẫn xảy ra. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thì điều thấy được trước mắt của việc tăng giá dịch vụ y tế là bệnh viện sẽ chủ động được nguồn chi trả lương và phụ cấp, có điều kiện tuyển thêm nhân viên y tế cũng như chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Còn việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng được đặt ra bằng những mục tiêu cụ thể. “Mỗi một lần điều chỉnh giá viện phí thì bệnh viện chịu rất nhiều áp lực. Đối với người bệnh sẽ có kỳ vọng là bệnh viện phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Để đáp ứng kỳ vọng đó, bệnh viện đã phát động toàn bệnh viện đổi mới phong cách và thái độ phục vụ. Yêu cầu 100% cán bộ y tế đăng ký cam kết với giám đốc bệnh viện. Mặt khác, bệnh viện cũng có nghĩa vụ chuyển giao kỹ thuật xuống tuyến dưới để giảm tải cho tuyến trên”-ông Hiền cho hay.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong tháng tới sẽ tính thêm chi phí phụ cấp trực và tiền công phẫu thuật, thủ thuật. Đây thực chất là các khoản do Nhà nước bao cấp trước đây không tính trong giá dịch vụ nay sẽ tính vào giá, khoản tăng thêm này phần lớn sẽ do BHYT chi trả. Theo ông Nguyễn Nam Liên, bệnh viện sẽ là nơi cung cấp dịch vụ, nếu họ làm tốt thì sẽ đông bệnh nhân, tăng được nguồn thu từ quỹ BHYT còn ngược lại thì người bệnh sẽ quay lưng với những cơ sở có chất lượng phục vụ không đảm bảo. “Nếu chúng ta tính tiền lương vào giá dịch vụ sẽ thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, lúc này không phải là Nhà nước trả lương cho cán bộ y tế nữa mà là người bệnh. Cho nên bệnh viện phải phục vụ tốt hơn, người dân đến khám bệnh, chữa bệnh thì mới có nguồn thu, có nguồn thu thì mới có kinh phí trả lương và các hoạt động, còn đơn vị nào không làm được sẽ đến lúc một số bệnh viện phải đóng cửa, nếu chúng ta không nâng cao chất lượng dịch vụ lên ” – ông Liên nói.

Rõ ràng khi viện phí được điều chỉnh, trong đó tiền công và lương của nhân viên y tế hoàn toàn do người bệnh chi trả thông qua BHYT thay vì Nhà nước bao cấp như trước đây thì sẽ không còn cơ chế xin – cho giữa nhân viên y tế và người bệnh. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng khám, chữa bệnh cũng là yêu cầu sống còn đặt ra với mỗi bệnh viện ngay trước thềm điều chỉnh giá các mức giá dịch vụ này.

Theo Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, việc tăng giá viện phí sẽ giúp cho người chưa mua thẻ BHYT ý thức được an sinh xã hội là chủ trương đúng đắn, bản thân họ cũng có lợi và họ sẽ mua BHYT, qua đó thúc đẩy BHYT toàn dân.

Việc tăng giá lần này cũng không tác động nhiều đến đối tượng cận nghèo đồng chi trả 5%. Nhà nước có công cụ hỗ trợ cho người quá khó khăn như: Quyết định số 14 thành lập các quỹ KCB cho người nghèo ở các địa phương và Nghị định 84, bệnh viện được phép thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân là đối tượng khó khăn.

Với các nhóm đối tượng khác đồng chi trả 20%, BHYT có cơ chế người bệnh chỉ phải trả tối đa 6 tháng lương cơ bản, và số tiền vượt quá mức đó cơ quan BHYT sẽ chi trả. Hơn nữa, người bệnh BHYT thanh toán ở mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của họ đối với các dịch vụ mà trước đây mức viện phí thấp, BHYT không thanh toán đủ các chi phí. Hay như trước đó, nhiều dịch vụ bệnh viện không thể triển khai vì mức thu thấp, nay được triển khai, người bệnh được điều trị tốt và lại được BHYT chi trả.

Với 30% dân số không có thẻ BHYT, khi điều chỉnh tăng giá viện phí phải chi trả cao đương nhiên sẽ phải thay đổi nhận thức để mọi người tham gia BHYT. Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, dự kiến trong năm 2016, giá viện phí sẽ chính thức áp dụng đối với mọi đối tượng khi đi khám chữa bệnh. Vì thế, cần đẩy nhanh quá trình bao phủ BHYT toàn dân, để người dân sẽ không bị tác động của việc điều chỉnh viện phí khi đi khám, chữa bệnh và các cơ sở y tế sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị.
 

Thu Trần

.