leftcenterrightdel
Máy chụp MRI phục vụ người dân tại Bệnh viện quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN) 

Thông tư 15 (thay thế thông tư 37 trước đó) quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Thông tư 15 cũng sẽ điều chỉnh 88 mức giá dịch vụ y tế, trong đó 6 giá khám bệnh theo 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã, 42 giá ngày giường theo hạng bệnh viện và trạm y tế, 40 giá dịch vụ kỹ thuật chủ yếu như siêu âm, X-quang, MRI, CT scanner, PET-CT...

Theo Thông tư 15, giá khám bệnh sẽ giảm 15-20% - tương đương tiền khám bệnh sẽ giảm từ 4.800 đến 5.900 đồng ở các hạng bệnh viện. 

Cụ thế, giá khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 giảm xuống chỉ còn 33.100 đồng; giá hiện nay là 39.000; giá tại bệnh viện hạng 2 còn 29.600 thay vì 35.000 đồng. Giá khám tại trạm y tế xã, bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 29.000 còn 23.300 đồng.

Giá ngày giường điều trị giảm từ 2-10% theo từng hạng bệnh viện. Cụ thể, giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tế bào gốc... tại bệnh viện hạng đặc biệt sẽ tăng lên 687.100 đồng; thấp hơn đề xuất ban đầu gần 64.000 đồng; giá hiện áp dụng là 677.100 đồng. Tại bệnh viện hạng 1 sẽ giảm từ 632.200 xuống còn 615.600 đồng. Giá ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tại bệnh viện hạng 4 cũng giảm từ 226.000 xuống 221.200 đồng.

Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp sẽ được áp dụng mức giá bằng 50% giá ngày giường theo từng loại chuyên khoa quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo thông tư này.

Đáng chú ý là một số dịch vụ kỹ thuật giảm rất lớn như phẫu thuật cắt Amidan bằng dao điện giảm từ 3,6 triệu xuống còn 2 triệu đồng.

Thông tư này cũng quy định các bệnh viện phải bố trí nhân lực, số bàn khám theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng; mỗi bàn khám không quá 65 lượt một ngày. Vượt quá con số này; cơ quan bảo hiểm xã hội chi thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh. Trong thời gian tối đa một quý, nếu vẫn còn tình trạng này thì bảo hiểm xã hội không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh hàng năm là cần thiết, nhằm giải quyết bất cập trong thực tế cũng như việc điều chỉnh giá Thông tư 37 lần này nhằm cân đối quỹ và chất lượng khám chữa bệnh. 

Trước mắt, do chưa thể điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế nên để bảo đảm cân đối quỹ, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh giá của một số dịch vụ thông thường như khám bệnh, chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, giường...Tuy chỉ điều chỉnh một số dịch vụ (đa số là giảm giá) nhưng tác động lớn đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế, vì đây là các dịch vụ sử dụng nhiều, điều chỉnh để giảm tần suất sử dụng.

Trong thông tư điều chỉnh giảm số lượt khám/bàn khám, công suất sử dụng máy móc, thiết bị, giường bệnh, nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện tăng, do được đầu tư, nâng cấp, thông tuyến, người bệnh sử dụng nhiều hơn nên giảm được chi phí, nhiều loại vật tư, hóa chất giá giảm so với trước đây do hiệu quả của công tác đấu thầu./.

Thùy Giang/vietnam+