Theo Bộ Y tế, thời gian qua đã có trên 131.000 trẻ được tiêm văcxin ComBE Five. Tỉ lệ có phản ứng sau tiêm ghi nhận được là 2,5% có phản ứng nhẹ sau tiêm (sưng, đau vết tiêm, sốt nhẹ), 0,05% có phản ứng nặng sau tiêm (sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, có 3 cháu đã tử vong).
Bộ Y tế cho rằng tỉ lệ phản ứng sau tiêm nằm trong giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới, nhưng để đảm bảo tiêm chủng an toàn hơn, Bộ Y tế yêu cầu triển khai tập huấn lại về an toàn tiêm chủng, đưa cán bộ có trình độ chuyên môn về tăng cường cho các trạm y tế xã phường trong các đợt tiêm chủng, đặc biệt là ở các trạm không có bác sĩ.
Bộ Y tế cũng yêu cầu huấn luyện lại cho nhân viên y tế biết cách hướng dẫn bà mẹ theo dõi trẻ sau tiêm chủng, cách phát hiện các triệu chứng là phản ứng sau tiêm của trẻ để đưa đi cấp cứu kịp thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, chấn chỉnh ngay các tồn tại, vướng mắc trong tiêm chủng.
Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh. Những phản ứng sau khi tiêm chủng và cách theo dõi, chăm sóc, phối hợp với cơ quan y tế trong việc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng.
Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh ngay các đơn vị tiêm chủng để đảm bảo tiêm chủng được an toàn.
Trước đó, việc tiêm chủng vắc xin ComBE five đã có 2 trường hợp sau khi tiêm đã tử vong ở Nam Định. Sau đó, ở Hà Nội lại có trường hợp cháu bé hơn 2 tháng tuổi cũng tử vong sau khi tiêm loại vắc xin này. Trường hợp trẻ tử vong ở Hà Nội vẫn trong quá trình điều tra nguyên nhân.
Được biết, trước đây khi tiêm vắc xin Quinvaxem thì trẻ em được theo dõi 30 phút sau khi tiêm. Nhưng hiện nay, vắc xin của Ấn Độ, ComBE Five phản ứng đến muộn hơn, nhiều trẻ sốt muộn. Gia đình cần theo dõi trẻ kỹ 1-2 ngày sau tiêm, đặc biệt là nếu trẻ có các triệu chứng như khó thở, sốt cao, co giật, nổi vân tím trên da, li bì… thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.