Thông tin về việc bắt buộc hiến máu mỗi năm một lần đối với mọi công dân khiến nhiều người xôn xao.

 


Trước thông tin trên, trao đổi với báo chí chiều 9/1, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định trong dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, Bộ Y tế chưa đề cập gì đến đề xuất công dân bắt buộc hiến máu mỗi năm 1 lần mà vẫn trên cơ sở hiến máu tình nguyện.

Hiến máu bắt buộc là tình huống giả định

Ông Quang cho hay, quan điểm xây dựng luật hiện nay là phải dựa trên bằng chứng về mặt khoa học. Bộ Y tế lựa chọn phương án hiến máu tình nguyện nhưng làm thế nào để chứng minh hiến máu tình nguyện là tối ưu thì phải đưa ra giả định. Trường hợp này giả định là hiến máu bắt buộc.

"Nếu ghi là bắt buộc thì liên quan đến quyền con người, không dễ gì mà chúng ta bắt buộc được. Việc hiến máu tình nguyện hiện trong 2-3 năm gần đây đáp ứng tốt nhu cầu điều trị của người bệnh," ông Quang cho hay.

Vị đại diện Bộ Y tế chỉ rõ, tham khảo luật pháp quốc tế thì không có nước nào quy định hiến máu bắt buộc. Nếu quy định bắt buộc thì với 90 triệu dân sẽ có 46 triệu người phải hiến máu bắt buộc. Như thế chúng ta sẽ có nguồn máu đầy đủ và ổn định, nhưng dư thừa khá lớn. Bộ Y tế không theo đuổi mục tiêu này.

Cũng theo ông Quang, dựa trên các bằng chứng về mặt khoa học, chúng ta lựa chọn phương án hiến máu tình nguyện nhưng phải có phương án giả định để chứng minh lập luận của ban soạn thảo về hiến máu tình nguyện là đúng đắn, thuyết phục.

97% nguồn máu được hiến tình nguyện

Phân tích về phong trào hiến máu tình nguyện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, hơn 2 thập kỷ qua, với sự quan tâm của toàn xã hội đồng hành cùng ngành y tế, phong trào hiến máu nhân đạo đã có nhiều bước phát triển.

"Hiến máu tình nguyện trong những năm gần đây đã phát triển trở thành trào lưu, phong cách sống, hoài bão của rất nhiều tầng lấp nhân dân, đặc biệt là người trẻ," Bộ trưởng Tiến nhận định.

"Đến năm 2016, phong trào hiến máu đã có chuyển biến cả về lượng và chất, cả nước tiếp nhận khoảng 1,5 triệu đơn vị máu (tăng 14 lần), nguồn máu chuyển sang chủ yếu lấy từ người hiến máu tình nguyện (khoảng 97%) thay vì lấy từ “người bán máu chuyên nghiệp.” Nhờ vậy đã cơ bản khắc phục tình hình thiếu máu vào dịp tết và mùa Hè," bà Tiến nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, mặc dù vậy, nguồn máu cung cấp mới đáp ứng được hơn 70% cầu.

Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2016, toàn quốc vận động, tiếp nhận gần 1,4 triệu đơn vị máu; đạt 1,52% dân số hiến máu. Khi đạt tỷ lệ chiếm 2% dân số hiến máu thì phong trào hiến máu đạt ngưỡng thỏa mãn nhu cầu điều trị của người dân.

Trước thực tế trên, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã có kế hoạch phê duyệt và triển khai kế hoạch đến năm 2020, bằng các thể chế, cơ chế chính sách, thúc đẩy hiến máu tình nguyện thì có đạt được 2% dân số tham gia hiến máu, đáp ứng nhu cầu điều trị./
 

Theo Thùy Giang /Vietnam+

.