Trong đó, tại khoản 2 Điều 2, Thông tư này đã bãi bỏ "khoản 3 điều 8 của Thông tư số 14/2020/TT-BYT, ban hành ngày 10/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế".
Khoản 3 điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT quy định: "Khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng và không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó. Trường/ hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể"...
Quy định này khiến bệnh viện nếu muốn mua thiết bị y tế thì buộc phải mua với giá thấp hơn hoặc bằng giá trúng thầu trong 12 tháng qua tại các cơ sở y tế khác. Tuy nhiên, trong điều kiện tỉ giá, giá điện nước, nhân công, lương... tăng, yêu cầu này trở nên khó thực hiện, nhiều cơ sở y tế khó khăn trong mua sắm thiết bị y tế.
Trước đó, làm việc với Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết nếu không sửa quy định này thì "bệnh viện sẽ không bao giờ mua được gì". Mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế cũng thừa nhận quy định này "không phù hợp với quy luật kinh tế thị trường".
Kể từ ngày Khoản 2 Điều 2 Thông tư này có hiệu lực (6/12/2022), việc xác định giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thực hiện theo Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Nghị định số 63/2014/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn có liên quan về xây dựng giá gói thầu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đối với gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có giá gói thầu thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT trước ngày Khoản 2 Điều 2 Thông tư này có hiệu lực thì cơ sở y tế tiếp tục thực hiện theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt hoặc thực hiện thủ tục để điều chỉnh giá gói thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan về xây dựng giá gói thầu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
|
Thông tư số 14/2022/TT-BYT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành. Ảnh: BYT |
Cũng tại thông tư 14/2022/TT-BYT, Bộ Y tế đã bãi bỏ toàn bộ 5 văn bản quy phạm pháp luật, gồm:
1- Quyết định số 36/2006/QĐ-BYT ngày 14/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Quy định về thử nghiệm lâm sàng trang thiết bị y tế".
2- Quyết định số 19/2008/QĐ-BYT ngày 30/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chế làm việc của Bộ Y tế.
3- Quyết định số 38/2008/QĐ-BYT ngày 11/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành "Quy định mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm."
4- Thông tư số 09/2013/TT-BYT ngày 29/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế về y tế tại Việt Nam.
5- Thông tư liên tịch số 48/2014/TTLT-BYT-BTNMT ngày 22/2/2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế.
Với Thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về danh mục thuốc hiếm, bãi bỏ Điều 9 và cụm từ “và cập nhật Quyết định sửa đổi, bổ sung Danh mục thuốc hiếm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định” tại Khoản 1 Điều 10.
Thông tư 14/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/2/2023. Khoản 2 Điều 2 của Thông tư này có hiệu lực từ ngày 6/12/2022./.