Gần đây trên đường phố Sài thành, nhiều người trưng biển quảng cáo chuyên bán mối chúa, con bổ củi với đặc tính là tiên dược cho quý ông, nhập từ lãnh địa Thất Sơn, An Giang.
Trên nhiều con đường, những chiếc xe máy phía sau yên gắn la liệt thùng gỗ, túi lưới, lồng sắt chứa đủ loại “sung dược”, tất cả đều được người bán quảng cáo là bổ thận, tráng dương, ngâm rượu trị bệnh nhức mỏi, thư giãn gân cốt... Giá cả do đó cũng dao động, trông mặt khách mà ra giá. Bò cạp và bổ củi đồng mức 5.000 đồng, có khi người bán “hét” 20.000 đồng/con nếu khách tỏ vẻ đại gia và có chút gì đó khù khờ; mối chúa 15.000 - 25.000 đồng/con, rết 25.000 đồng - 30.000 đồng/con, tắc kè 150.000 đồng - 300.000 đồng/con, bìm bịp 300.000 đồng - 500.000 đồng/con...
Về nơi xuất xứ
Chẳng biết hình thành từ lúc nào nhưng chợ Tịnh Biên đã trở thành thiên đường của quý ông khát khao cải thiện chuyện phòng the. Chợ này bày bán nhiều loài động vật từ tắc kè, bò cạp, dơi ma, mối chúa... đến những phương thuốc Nam bí truyền có tác dụng bồi bổ chuyện vợ chồng. Buôn bán quanh năm, chợ sung dược đã trở thành nét riêng của vùng biên viễn này...
Theo các đại lý côn trùng ở chợ Tịnh Biên, mối chúa mua lại từ núi Dài Năm Giếng hay núi Cấm loại trung bình (nhỏ hơn ngón tay) dùng ngâm rượu giá 40.000 đồng/con, nhỏ hơn từ 15.000 - 20.000 đồng. Một hũ rượu ngâm 10 con mối chúa ở đây bán 400.000 đồng.
Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hổ sơn) thuộc thị trấn Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên) có nhiều loại côn trùng này hơn, còn núi Dài đi qua các xã Lương Phi, Ba Chúc... (huyện Tri Tôn). Theo những bậc cao niên trong vùng, nghề săn bắt côn trùng xuất phát từ người Khơme. Lúc đầu họ đi bắt về ngâm rượu hoặc làm thuốc trị bệnh, khi có khách quý là người Kinh đến chơi, họ mới đem rượu thuốc ngâm côn trùng ra đãi.
Để mục sở thị cách tận diệt loại côn trùng này, từ chợ trung tâm của huyện ở thị trấn Tịnh Biên, tôi ngược về hướng thị trấn Nhà Bàng, theo chân những tay săn côn trùng thượng hạng ở núi Dài Năm Giếng. Thảnh, 40 tuổi, người địa phương chuyên sống bằng nghề này, cho biết: “Mối chúa không sống trên đỉnh mà ở lưng chừng núi”.
Phát hiện một ụ đất nhô cao, cây cối xanh tốt, dấu hiệu khác lạ, Thảnh dừng xe, dùng cây gậy mang theo khui ra một đàn mối chúa chi chít cả nghìn con. Sau khi rũ sạch đất, con đầu đàn to bằng ngón tay cái bị bắt vào rọ. Thảnh giải thích, mối con xây tổ, mối chúa chỉ làm nhiệm vụ duy trì nòi giống nên con người mới muốn “hành xác” nó, chỉ 100 nghìn đồng, rẻ bèo so với công sức của người vất vả leo núi. Thảnh ra vẻ am hiểu: “Đặc tính của loài này là thích sống gần nguồn nước, nơi đất ẩm, xốp, còn con bò cạp thì lạ lắm: ban đêm nó rất nhanh và dữ, nhưng ban ngày thì nằm một chỗ, ít cắn ai. Muốn bắt bò cạp, cứ đè đuôi xuống thì không bị cắn”.
Để có được những sản vật có tác dụng bổ trợ chuyện gối chăn, người đi săn phải luồn rừng vượt núi, lúc cheo leo trên hang đá để bắt tắc kè, khi vùi mình trong đất moi mối chúa, lúc lại vắt vẻo trên tán đại thụ giữa rừng già, đối mặt với nọc độc của bò cạp...
Hiệu quả chưa được kiểm chứng
Theo một số bác sĩ Đông y, việc uống rượu ngâm ong, bò cạp, bổ củi, mối chúa hay các loại rắn rết có tác dụng cường dương chỉ là chuyện truyền tụng trong dân gian. Lương y Nguyễn Đức Nghĩa (học trò của cố Giáo sư Đỗ Tất Lợi, tác giả cuốn sách nổi tiếng Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam) cho biết: “Không chỉ bán tràn lan tại vùng Thất Sơn, nhiều loại “sung dược” như mối chúa, bò cạp cũng được con buôn chở về các đô thị lớn để tiếp thị cho các quý ông muốn tăng cường sinh lực. Tuy nhiên, tác dụng đến đâu thì chưa có công trình nghiên cứu nào công bố”.
Theo thống kê, mỗi tháng Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 10 ca ngộ độc do xơi các món “thần dược” có nguồn gốc từ côn trùng. Nhiều bệnh nhân khi được chuyển vào đây thường trong tình trạng co giật tay chân, cứng hàm và hôn mê... Tuy nhiên trên thị trường, nhiều quý ông thiếu hiểu biết vẫn mua côn trùng nhằm “cải thiện sức mạnh, bản lĩnh nam nhi” chẳng màng hậu quả khó lường, có khi nguy hiểm đến tính mạng.
Theo CA TP.HCM