GS Đỗ Doãn Lợi: Trẻ hóa bệnh lí tim mạch ngày càng phổ biến là do lối sống công nghiệp hóa khiến con người uống nhiều rượu bia, thuốc lá.

 


Theo kết quả nghiên cứu đề tài cấp nhà nước từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tỉ lệ người 25-74 tuổi có chỉ số khối cơ thể ở mức có nguy cơ về sức khỏe (BMI ≥ 23) lên đến 25,9%, trong đó có đến 40,4% người được khảo sát tại khu vực thành thị có chỉ số BMI rơi vào mức nguy cơ về sức khỏe.

Đáng chú ý là tỉ lệ rối loạn chuyển hóa lipid và glucose máu ở khu vực thành thị cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Đặc biệt, có đến 44,3% người 25-74 tuổi ở khu vực thành phố bị cholesterol máu cao và có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi.

Cholesterol máu cao không chỉ là hậu quả của chế độ dinh dưỡng không hợp lý, của thừa cân béo phì mà còn dẫn đến hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng bệnh lí tim mạch, thậm chí để lại  hậu quả nặng nề về sức khỏe.

Trước tình trạng gia tăng và trẻ hóa bệnh lí tim mạch ở Viêt Nam, cần thiết phải tăng cường các hoạt động truyền thông cộng đồng để nâng cao ý thức của người dân đặc biệt là giới trẻ trong việc phòng ngừa căn bệnh thời đại này thông qua một lối sống và chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Thực trạng gia tăng và trẻ hóa bệnh lí tim mạch tại Việt Nam

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch hiện là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu. Bệnh tim mạch đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng tại các nước đang phát triển.

Các báo cáo gần đây cho thấy, số người mắc bệnh tim mạch tại các nước đang phát triển thậm chí còn cao hơn tại các nước phát triển. Bệnh tim mạch đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi. Trước đây, 50 tuổi trở lên mới mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch não… thì bây giờ bệnh tim mạch đã xuất hiện nhiều ở những người 30 – 40 tuổi.

Tại Việt Nam, theo điều tra mới nhất của Chương trình quốc gia về tăng huyết áp năm 2015 do Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện cho thấy: tỉ lệ mắc tăng huyết áp ở người trên 25 tuổi tại Việt Nam là 47,3%. Trung bình mỗi năm, bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của 200 nghìn người, chiếm khoảng một phần tư tổng số trường hợp tử vong ở nước ta.

Dinh dưỡng đậu nành tốt cho sức khỏe tim mạch

Theo thông tin đưa ra tại hội thảo, năm 1999, Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra khuyến nghị “Dùng 25g đạm đậu nành mỗi ngày, trong khẩu phần ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch”.

Đây là cơ sở khoa học quan trọng khẳng định đạm đậu nành tốt cho sức khỏe tim mạch. Đặc biệt trong 20 năm trở lại đây, tác động của đạm đậu nành đối với nồng độ cholesterol trong máu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng các chuyên gia dinh dưỡng và y tế.

Một nghiên cứu tiến hành trên 65.000 phụ nữ tại Trung Quốc đã cho ra kết quả sử dụng ít nhất 7.4g đạm đậu nành mỗi ngày giúp giảm 75% các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu gần đây tại Nhật Bản cũng chỉ ra rằng sử dụng 400ml sữa đậu nành mỗi ngày có tác động tích cực trong việc giảm cholesterol. Người Nhật Bản có thói quen sử dụng đa dạng các loại thực phẩm từ đậu nành (như sữa đậu nành, đậu phụ, súp miso, đậu nành tươi...) trong chế độ ăn hàng ngày.

Theo khảo sát từ Viện Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia Nhật Bản cho thấy, trung bình người trưởng thành ở Nhật sử dụng 10g đạm đậu nành mỗi ngày tương đương với khoảng 80g thực phẩm đậu nành. Các nghiên cứu tại Nhật Bản cũng cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa chế độ ăn giàu đậu nành với việc giảm tỷ lệ mắc bệnh lý liên quan đến tim mạch.  

Tại Việt Nam, các chuyên gia dinh dưỡng cũng đã nghiên cứu và khuyến nghị người Việt, đặc biệt là những người trẻ nên có lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lí  như giảm ăn mặn (<5g muối/ngày), hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm quá nhiều cholesterol, tăng tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ và rau quả (400g/ngày) nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và có một sức khỏe tốt.

“Việc tiêu thụ các thức ăn giàu đạm nên đảm bảo tính cân đối giữa chất đạm nguồn động vật và chất đạm nguồn thực vật trong đó cần chú ý các loại đậu đỗ đặc biệt là đậu nành. Đậu nành ngoài chất đạm có giá trị sinh học cao còn có lượng axít béo không no omega 3 cao (1,33g/100g đậu nành) tốt cho sức khỏe tim mạch, từ đó giúp phòng chống tăng huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành và một số bệnh tim mạch khác”– PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết.

Các chuyên gia dinh dưỡng từ Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng khuyến nghị người Việt Nam nên bổ sung các chế phẩm từ đậu nành vào bữa ăn hằng ngày nhằm giảm các nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bên cạnh việc tập thể dục đều đặn, có lối sống lành mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia tim mạch học, các chuyên gia dinh dưỡng từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đã đưa ra những số liệu cập nhật nhằm cảnh báo về tình hình bệnh lý tim mạch tại trên thế giới cũng như tại Việt Nam và những bằng chứng khoa học khẳng định dinh dưỡng đậu nành tốt cho sức khỏe tim mạch./.
 

Theo VOV

.