Gần đây, nhiều thông tin về bệnh cúm được đăng tải trên nhiều báo viết, báo mạng. Những thông tin này đề cập đến tên vi rút cúm, con đường lây truyền bệnh, cách phòng và chữa bệnh...  Các vấn đề nêu trên, chừng nào chưa được cộng đồng hiểu biết đầy đủ sẽ làm hạn chế hiệu quả phòng bệnh và chữa bệnh.
 


Cách gọi tên cúm A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9.

Vi rút cúm có hình cầu, gồm phần lõi và phần vỏ chứa các phần cấu trúc đặc biệt gọi là kháng nguyên. Phần vỏ có kháng nguyên H (Hemagglutinin) và kháng nguyên N (Neuraminidase). Kháng nguyên H giúp vi rút cúm bám vào niêm mạc đường hô hấp. Kháng nguyên N làm lỏng chất nhầy đường hô hấp, tạo thuận lợi cho vi rút cúm xâm nhập vào tế bào khí, phế quản, phổi.   

Vi rút cúm có ba típ với ký hiệu A, B, C. Tip A dễ biến dị kháng nguyên H thành H1, H2, H3,...H7 và kháng nguyên N thành N1, N2, N3,… N9 .  Đây là nguyên nhân phát sinh các phân típ mới vi rút cúm. Để đặt tên cho các phân típ vi rút cúm, Tổ chức Danh pháp quốc tế quy định nguyên tắc đặt tên như sau: Tên một phân típ vi rút phải thể hiện được típ vi rút, địa phương phân lập được vi rút, số thứ tự theo dõi, năm phân lập vi rút, công thức kháng nguyên H và N. Nếu vi rút cúm phân lập được từ động vật, phải có thêm chữ chỉ loài động vật đó: sw nếu là từ lợn, av nếu là từ chim hoặc gia cầm, eg nếu là từ ngựa. Ví dụ: Vi rút cúm A/Moscow-10/99 (H3N2) được hiểu là vi rút cúm mới này thuộc típ A, phân lập được tại Mạc- Tư- Khoa, số theo dõi trong sổ sách là 10, thuộc năm 1999, có công thức kháng nguyên là H3N2. Ví dụ khác: Vi rút cúm gà A/Av-Hongkong-1/97 (H5N1). Ví dụ này có thêm chữ av chỉ rằng vi rút cúm mới này được phân lập từ gà.

Mỗi lần phát sinh phân típ vi rút cúm mới thường làm xuất hiện dịch cúm. Ví dụ như: vụ dịch cúm do phân típ A/H5N1 khởi phát ở Hongkong năm 1997, vụ dịch do phân típ A/H3N2 khởi phát ở Matxcơva năm 1999, vụ dịch do phân típ A/H1N1 khởi phát ở Mexico năm 2009, vụ dịch do phân típ A/H7N9 khởi phát ở Shanghai (Thượng Hải) năm 2013.

Điều gì đáng lo sợ về bệnh cúm?

Điều đáng lo sợ của chúng ta là sự xuất hiện một típ mới vi rút cúm có độc lực mạnh vì típ mới này có khả năng gây bệnh nặng và bùng phát thành dịch lớn. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, nếu xảy ra dịch cúm A/H5N1 ở người thì có thể bùng phát thành dịch lớn với hàng triệu người mắc và hàng triệu người chết. Cơ sở khoa học lý giải tính nguy hiểm của cúm A/H5N1 là: 1/ Vi rút cúm A/H5N1 có độc lực rất mạnh (giết chết nhiều triệu gia cầm trong thời gian ngắn). Người mắc bệnh sẽ bị viêm phổi nặng cấp tính. 2/ Loài người chưa được miễn dịch đối với vi rút cúm A/H5N1 vì đây tuy là phân típ cúm cũ đối với gia cầm nhưng là mới đối với người. Vi rút cúm A/H5N1 cũng có thể lai ghép tự nhiên với vi rút khác tạo ra biến chủng rất mới đối với người. 3/ Vi rút cúm lây truyền qua đường hô hấp, là đường dễ lây truyền nhất trong số các đường lây truyền. 4/ Hiện chưa có thuốc kháng sinh (antibiotic) đặc hiệu đối với vi rút cúm. Cũng may là sự lây truyền vi rút cúm A/Av-H5N1 từ gia cầm sang người là không dễ.

Thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh

Hiện nay, tồn tại hai khái niệm: cúm mùa (Seasonal  influenza) và cúm mới (New influenza). Cúm mùa thường xuất hiện theo mùa, do những phân típ vi rút cúm đã biết trong quá khứ gây ra, xuất hiện lại, loài người ít nhiều đã có miễn dịch với vi rút đó. Cúm mới do phân típ vi rút mới được phát sinh gây ra, loài người chưa có miễn dịch với vi rút này, do đó tỷ lệ tử vong thường cao cho mọi người bệnh.  

Điều trị bệnh cúm, ngoài các thuốc điều trị triệu chứng như: hạ sốt, giảm đau, có thể dùng thuốc Oseltamivir (Tamiflu), Zanamivir (Relenza) thuộc nhóm thuốc ức chế neuraminidase, hoặc dùng thuốc Amantadine, Rimantadine thuộc nhóm thuốc ức chế protein M2. Cũng có thể tiêm Interferon hoặc Gamaglobulin nhưng hai thuốc này tương đối đắt tiền. Phòng bệnh cúm là rất cần với phương pháp thông thường như: cách ly người bệnh, mang khẩu trang, rửa sạch tay, hạn chế tụ họp đông người, không tiếp xúc với gia cầm, chim trong vụ dịch,... Dùng vắc xin là phương pháp phòng bệnh đặc hiệu rất quan trọng. Do vi rút cúm hay biến dị làm phát sinh cúm mới nên việc chế tạo vắc xin gặp khó khăn. Vắc xin có hiệu quả đối với cúm này, năm nay lại không có hiệu quả đối với cúm khác, năm khác. Để khắc phục khó khăn trên, việc chế tạo vắc xin phát triển theo ba hướng: Một là căn cứ dự báo dịch tễ để chế tạo vắc xin cúm đón đầu những phân típ vi rút sẽ xuất hiện trong tương lai. Tổ chức Y tế Thế giới là cơ quan đặt hàng cho các hãng sản xuất vắc xin theo hướng này. Hai là phân lập vi rút cúm vừa mới gây bệnh đầu vụ dịch để chế tạo vắc xin, kịp dùng cho cộng đồng trong vụ dịch đó. Ba là chế tạo sẵn một vắc xin cúm từ kháng nguyên H và N của nhiều típ vi rút đã biết trong quá khứ.  

Tại Việt Nam, hiện đang triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về chế tạo vắc xin cúm A/H5N1. Vắc xin đang được thử nghiệm lâm sàng và sẽ được đưa vào sử dụng trong tương lai gần.
 

Giáo sư, Tiến sỹ Y khoa Nguyễn Đình Bảng

.