(BVPL) - Phát huy vai trò của Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) Việt Nam và Mạng quyền trẻ em trong phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục” là nội dung cuộc hội thảo vừa được Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Mạng Bảo vệ Quyền trẻ em tổ chức tại Hà Nội.
Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu bảo vệ trẻ em giai đoạn (2011-2015) cho thấy, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (XHTD TE) như hiếp dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em chiếm tỷ lệ 70% trong các vụ xâm hại trẻ em (Báo cáo 5 năm qua của ngành Công an có hơn 8.000 vụ, có đến 9.000 nạn nhân).
Trong những năm gần đây, số vụ và số trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Đối tượng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là những người thân, người quen và cả người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bao gồm cả cha đẻ, thầy cô giáo, xâm hại cả trẻ em nam...
Theo Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe gia đình và phát triển cộng đồng (CEFACOM), nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ em xuất phát từ hai phía: Gia đình và cộng đồng.
Về phía gia đình: cha mẹ, người thân thiếu kiến thức, hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; nhiều gia đình ít dành thời gian chăm sóc, quan tâm đến con; ít trao đổi, chia sẻ về giới tính, tình dục vì coi đó là điều cấm kỵ; khi con bị xâm hại tình dục không dám tố giác, sợ bị dị nghị, ảnh hưởng đến con sau này.
Về phía cộng đồng, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội trong phòng chống xâm hại tình dục trẻ em chưa rộng rãi, thường xuyên; sự hiểu biết và thực hiện pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; việc giải quyết các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em chưa nghiêm, chưa kịp thời, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Trẻ em là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục bị tổn hại nặng nề về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, thậm chí là tính mạng. Chính vì vậy, công tác bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục nói riêng và bảo vệ trẻ em bị xâm hại, bạo lực nói chung luôn được sự quan tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành. Thời gian qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ phối hợp tham gia giám sát, vận động chính sách khuyến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến việc thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật, Hội BVQTE và các tổ chức xã hội đã có những đóng góp tích cực trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em dưới nhiều hình thức.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, chúng ta có thể có các quy định luật pháp, ban hành các chương trình tốt, điều đó là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là năng lực thực thi luật pháp, là việc thực hiện có hiệu quả chương trình, là sự tham gia tích cực của tất cả các đối tác trong xã hội, gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội đối với việc phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó có vai trò giám sát thực hiện quyền trẻ em của Hội BVQTE.
Bà Tô Thị Kim Hoa - Phó Chủ tịch Hội BVQTE TP. Hồ Chí Minh kiến nghị cần tổ chức liên kết các đường dây nóng bảo vệ trẻ em của các cơ quan tổ chức như: Trung tâm công tác xã hội trẻ em, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em, đường dây nóng của Nhà nước và tổ chức phối hợp hành động bảo vệ trẻ em qua thông tin tiếp nhận…
Các chi hội luật sư, luật gia cũng kiến nghị Bộ Công an cần đào tạo Điều tra viên chuyên điều tra các vụ án về XHTD TE để có khả năng điều tra vụ án nhanh và không để lọt tội phạm vì nạn nhân các vụ án này còn nhỏ tuổi, tâm sinh lý còn phát triển chưa đầy đủ. Phải có trình tự thủ tục riêng cho các loại án mà trẻ em bị XHTD để các vụ án trên được triển khai nhanh, kịp thời nhằm tìm ra thủ phạm.
Dù có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em nhưng các đại biểu đều nhất trí cho rằng, bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, một gia đình hay một cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội nào, mà đó là trách nhiệm chung của các bộ, ngành liên quan, của cả xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò trọng tâm.
Trần Mai