Xác định, bảo hiểm y tế là một trong ba trụ cột an sinh xã hội, ngành Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có nhiều cải cách quan trọng đảm bảo quyền lợi của người bệnh. Cả xã hội cần đồng thuận để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
 


Đẩy mạnh cải cách, giảm thủ tục phiền hà

Để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đặt chỉ tiêu phấn đấu, năm 2015 tỷ lệ bao phủ đạt 75% dân số, đến năm 2020 ít nhất đạt 80% dân số cả nước tham gia. Nhằm thể chế hóa mục tiêu đặt ra, chiến lược bảo hiểm y tế hộ gia đình theo hình thức bắt buộc của luật bảo hiểm sửa đổi đã được thực thi. Khi mua Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, mức đóng sẽ giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể, người trong hộ gia đình thứ nhất sẽ đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất, kể từ người thứ năm, mức đóng chỉ bằng 40% so với người thứ nhất.

Theo ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), bảo hiểm y tế hộ gia đình ngay trong bản chất đã thể hiện tính nhân văn và mang lại lợi ích cho người tham gia. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại vấp phải nhiều khó khăn do một bộ phận người dân và chính quyền địa phương chưa hiểu hết các quy định của Luật. Người đang tham gia bảo hiểm, có tên trong hộ khẩu nhưng đã ly hôn hoặc đi nước ngoài khi gia đình đến đăng ký mua bảo hiểm y tế thì bị chính quyền địa phương bắt phải trình giấy ly hôn, giấy tạm vắng… để chứng minh. Cách làm máy móc trên đã gây phiền hà cho người dân khi đăng ký mua bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Để gỡ rối về mặt thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký công văn gửi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị đơn giản thủ tục tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình. Bộ Y tế cũng yêu cầu, trong giai đoạn hiện nay, không bắt buộc người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình phải trình cơ quan quản lý các loại giấy tờ để chứng minh về đặc điểm nhân thân đối tượng, về sự tham gia bảo hiểm y tế của thành viên hộ gia đình.

Từ những động thái tích cực trên, đến 31/5/2015, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4% so với cùng kỳ năm 2014, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Riêng nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng hơn 400.000 người so với thời điểm cuối năm 2014, tương đương 5,4%. Điều đó chứng tỏ, chính sách pháp luật mới về bảo hiểm y tế đã dần đi vào cuộc sống và được người dân đồng thuận ủng hộ.

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân. Phát triển hệ thống đại lý bán thẻ bảo hiểm y tế theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; nghiên cứu mở rộng các hình thức tổ chức đại lý thu bảo hiểm y tế thông qua hợp đồng với Trạm y tế xã, phường, phòng khám bác sĩ gia đình. Các cấp chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương chính sách và tầm quan trọng của bảo hiểm y tế từ đó nỗ lực vận động người dân tham gia, phấn đấu đạt mục tiêu tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân đã đề ra.
 

Theo Dân trí

.