Nếu cứ theo guồng quay hiện nay, thì trong tương lai sẽ còn rất nhiều những “nghịch tử” tương tự…

Trong thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đăng tải nhiều về việc làm trái luân thường đạo lý của những người con bất hiếu mà nhiều người không dám tin đó là chuyện có thật. Chuyện bố già đau yếu bị con vứt ra vỉa hè, con gái hùa với chồng nhét bùn vào mồm mẹ ở Hà Nội, con trai ruột và con dâu ngược đãi mẹ liệt sĩ 90 tuổi ở Bắc Giang… Cách đây mấy ngày là chuyện nghịch tử ở Đồng Tháp dùng đũa đâm chết mẹ già bị tai biến.
 

Đối tượng Lê Văn Phước, 46 tuổi (ấp Phước Lý, xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch) đã thú nhận trước cơ quan công an là đã dùng đũa đâm chết người mẹ già bị tai biến
Đối tượng Lê Văn Phước, 46 tuổi (ấp Phước Lý, xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch) đã thú nhận trước cơ quan công an là đã dùng đũa đâm chết người mẹ già bị tai biến

 

Là những người cầm bút, khi đăng tải những thông tin như thế này, chúng tôi cũng rất đắn đo, cân nhắc vì những hành vi đi ngược luân thường đạo lý gây rung động xã hội. Thậm chí, một số đồng nghiệp phản đối khi đăng tải những thông tin như vậy.

Nhưng tôi lại có suy nghĩ khác. Sự việc này là một thực tế đang diễn ra trong xã hội, nếu cứ bưng bít, cứ khư khư che đậy thì không biết đến bao giờ những chuyện đau lòng như vậy mới chấm dứt. Một khi việc làm xấu xa còn ở trong bóng tối, thì chắc chắn nó vẫn tiếp tục tái diễn và hoành hành.

Dù phũ phàng, nhưng cũng nên chấp nhận đó là thực tế không thể chối bỏ. Khi đã chấp nhận thực tế, người ta mới trăn trở để tìm ra căn nguyên và giải pháp để hóa giải.

Tôi cũng như đa số mọi người, vô cùng căm phẫn về tội ác tày đình của những đứa con “trời đánh”. Riêng tôi lại luôn cảm thấy bất an và lo lắng rằng, nếu xã hội cứ chuyển động theo guồng quay hiện tại, thì trong tương lai sẽ còn rất nhiều những “nghịch tử” tương tự.

Không thể phủ nhận hiện nay vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp diễn ra trong cuộc sống, nhiều người đang ngày đêm cống hiến tâm sức, thậm chí hy sinh cả tính mạng để làm điều nhân, việc thiện. Cách đây chỉ vài ngày, tấm gương quên mình cứu 5 em nhỏ thoát khỏi dòng nước dữ của em Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12 T7, trường THPT Đô Lương 1, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, rồi hành động của 2 chiến sĩ công an lao mình xuống sông sâu để cứu một cháu bé bị nước cuốn trôi… làm cho cả xã hội cảm động. Việc làm của họ ít nhiều để mọi người soi vào, xem mình đã và đang sống như thế nào trong cuộc đời này.

Nhưng không lo lắng sao được, khi ai cũng cảm nhận được mối quan hệ giữa con người và con người trong xã hội ngày càng lỏng lẻo.

Chẳng xa xôi chuyện người dưng đối đãi người dưng, mà ngay chuyện báo hiếu cha mẹ cũng làm nhiều người chạnh lòng, bởi lòng tốt như chỉ ẩn hiện ở cõi hư vô. Có người khi cha mẹ còn sống, đối đãi chẳng ra gì, nhưng khi cha mẹ mất đi, lại hào phóng mua đủ các thứ đồ mã “thời thượng” như tivi, tủ lạnh, ô tô, xe máy… và rất nhiều vật tế lễ.

Nhiều quan chức vào ngày giỗ cha mẹ, “báo hiếu” bằng cách tổ chức linh đình, có cả thiệp mời in chức danh, tên tuổi của mình để mời mọi người đến chứng kiến lòng hiếu thảo.

Guồng quay hối hả của cuộc sống hiện nay đã khiến nhiều người bị hút vào một cách vô điều kiện. Cha mẹ thì mải mê kiếm tiền, phó mặc con cái cho nhà trường, cho xã hội. Con trẻ thì quay cuồng với việc học thêm, đến cả giờ ăn, giờ ngủ cũng phải tranh thủ.

Nhiều đứa trẻ được cưng chiều như những “ông trời con”, muốn gì được nấy, sống ích kỷ, không quan tâm đến ai và coi thường đạo lý, nề nếp trong gia đình.

Trong xã hội và ở nhiều gia đình, người ta sử dụng đồng tiền như là nấc thang giá trị của đạo đức. Người có nhiều tiền thì tiếng nói sẽ hào sảng và có trọng lượng, còn người ít tiền luôn cảm thấy tự ti và yếu thế. Con cái ngược đãi cha mẹ, anh em từ mặt nhau, thậm chí đâm chém nhau cũng vì tiền, vì đất đai thừa kế.

Đối với một đứa trẻ, tình yêu thương và nhân cách làm người luôn được chắt lọc trong suốt cuộc đời, từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày, từ  chiếc gương phản chiếu những việc làm của cha mẹ. Gia đình là nơi để ươm mầm những giá trị tốt đẹp ấy!.

Và như thế, trước khi hướng con trở thành “ông nọ, bà kia”, hãy dạy con từ những điều giản dị nhất để sống lương thiện, biết yêu thương mọi người, yêu thương ông bà, cha mẹ và gia đình của mình. Có như vậy, những sự việc đau lòng như vừa qua mới không còn là nỗi lo.

 

Theo VOV
 

.