Băn khoăn quanh đề xuất cấm tự do phá thai trên 12 tuần tuổi
Cập nhật lúc 17:04, Thứ ba, 06/10/2015 (GMT+7)
Những ngày qua, thông tin Bộ Y tế đề xuất đưa quy định cấm tự do phá thai từ 12 tuần tuổi trở lên vào dự thảo Luật Dân số (đang lấy ý kiến nhân dân) nhận được nhiều ý kiến quan tâm. Theo các chuyên gia, việc này nếu không cân nhắc kỹ, quy định một cách cứng nhắc có thể sẽ tạo ra nhiều vướng mắc khi thực hiện, thậm chí ảnh hưởng đến quyền của công dân. ( đề xuất , Băn khoăn, tự do, phá thai)
Những ngày qua, thông tin Bộ Y tế đề xuất đưa quy định cấm tự do phá thai từ 12 tuần tuổi trở lên vào dự thảo Luật Dân số (đang lấy ý kiến nhân dân) nhận được nhiều ý kiến quan tâm. Theo các chuyên gia, việc này nếu không cân nhắc kỹ, quy định một cách cứng nhắc có thể sẽ tạo ra nhiều vướng mắc khi thực hiện, thậm chí ảnh hưởng đến quyền của công dân.
Phá thai có điều kiện
Dự thảo Luật Dân số quy định, phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng nếu thai dưới 12 tuần tuổi, trừ trường hợp phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Còn phụ nữ mang thai từ 12 đến 22 tuần tuổi chỉ được thực hiện phá thai trong trường hợp: mang thai gây nguy hại đến tính mạng hoặc sức khỏe của thai phụ, thai nhi; do loạn luân; bị hiếp dâm; nguy cơ sinh ra trẻ có dị tật hoặc có nguy cơ phát triển không bình thường.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) - Bộ Y tế, nếu giữ như quy định nay, tức để phụ nữ có quyền phá thai theo nguyện vọng, tuy bảo đảm quyền sinh sản của cá nhân nhưng việc phá thai khi thai đã trên 12 tuần tuổi sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe thai phụ. Hơn nữa, điều kiện phá thai quá dễ dãi cộng thêm dịch vụ phá thai tràn lan, cơ quan quản lý buông lỏng có thể dẫn đến việc lợi dụng phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi. Trên thực tế, hiện nay Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta cũng đang ở mức báo động, trung bình cả nước cứ 100 trẻ nữ thì lại có gần 113 trẻ nam được sinh ra. Rất nhiều bác sĩ sản khoa cũng thừa nhận tình trạng nạo phá thai ở đối tượng đã có một con gái là chuyện thường, thậm chí có người vừa siêu âm xong biết thai nhi mang giới tính nữ lập tức quyết định phá bỏ thai…
Khó xác minh, thủ tục phiền hà
GS.TS. Nguyễn Đình Cử - Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho rằng, quy định chỉ cho phép phá thai trên 12 tuần tuổi trong 4 trường hợp cụ thể như trên “có vẻ là hợp lý” song để xác minh, chứng thực được các nguyên nhân này chắc chắn không hề đơn giản. Nhiều chuyên gia khác chỉ ra, dù luật quy định rất cụ thể điều kiện các trường hợp được phá thai trên 12 tuần tuổi như vậy nhưng lại chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xác nhận những điều kiện đủ để phá thai theo điều này.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, đây mới chỉ là đề xuất được đưa vào trong dự thảo Luật Dân số đang lấy ý kiến và bản thân quy định này hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau. Một là duy trì chính sách như hiện nay, cho phép phụ nữ phá thai theo nguyện vọng, tự do; hai là nạo phá thai có điều kiện với mục đích chính làm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, nếu quy định điều kiện phá thai sẽ có tác động tích cực, giúp hạn chế tình trạng phá thai quá dễ dãi, hạn chế sự lợi dụng phá thai để lựa chọn giới tính trước sinh. Song ngược lại, quy định này sẽ hạn chế một phần quyền sinh sản của cá nhân, cặp vợ chồng, nhất là các trường hợp mang thai ngoài ý muốn; tạo sự không bình đẳng giữa nhóm người có thai dưới 12 tuần tuổi với nhóm người có thai trên 12 đến 22 tuần tuổi. Bên cạnh đó, quy định này cũng có thể gia tăng tình trạng phá thai không an toàn.
Trong khi đó, bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, sức khỏe sinh sản, quyền sinh sản cũng như trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới là nền tảng cho các chương trình dân số và phát triển. Vì vậy, chính sách và Luật Dân số của Việt Nam trong thời gian tới cần phải tôn trọng và bảo vệ quyền sinh sản và quyền tự do lựa chọn về sinh sản. Đại diện
Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cũng khuyến cáo cần tăng cường cung cấp các biện pháp dự phòng liên quan đến sức khỏe sinh sản và tiếp cận biện pháp tránh thai, đồng thời đẩy mạnh giám sát việc thực hiện hướng dẫn về phá thai an toàn theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo mỗi phụ nữ đều được hợp pháp tiếp cận với các dịch vụ phá thai có chất lượng.
Theo ANTĐ
.