Gần đây, đã xảy ra trường hợp một bạn nữ sinh 22 tuổi ở Hà Nội đã tự hủy hoại cơ thể mình bằng cách dùng dao lam rạch tay chân 16 dẫn đến chảy máu. Hiện tượng này đã một lần nữa dấy lên mối nghi ngại về một "căn bệnh của xã hội" đã từng tồn tại - hội chứng "tự hành hạ bản thân".

 

Ai cũng có thể mắc phải hội chứng này. Nguồn: Internet
Ai cũng có thể mắc phải hội chứng này. Nguồn: Internet
 
Những hành động tự làm tổn thương mình như bấm lỗ mũi, tai, cắt rạch cơ thể cho máu chảy, đốt tóc, đập đầu vào kính...được các em tuổi vị thành niên (tuổi teen) lý giải là để giải tỏa cô đơn, thất vọng, đau khổ. Một số khác chỉ là hành động thể hiện bản thân, bắt chước theo “lối sống emo”.
 
Theo thông tin chúng tôi nhận được, nữ sinh Hà Nội này có học lực khá giỏi, và mong muốn được đi du học ở nước ngoài. Tuy nhiên, gia đình bạn lại không có đủ điều kiện. Và chính việc mong muốn không trở thành hiện thực này đã khiến em nảy ra những cảm xúc tiêu cực, không thoải mái về tâm trí, dẫn đến các triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, hay hồi hộp, tức ngực, cảm giác ngột ngạt khó thở nhưng không biết chia sẻ cùng ai.
 
Hiện tượng này dẫn đến kết quả là cô gái xuất hiện ý tưởng dùng dao lam cắt tay (tự hành hạ bản thân) để giải tỏa tâm lý. Điều đáng nói ở đây là khi cắt tay, bệnh nhân không hề cảm thấy đau, mà lại thấy thoải mái hơn. Căn bệnh này sẽ khiến cho người tự hại mỗi lần cắt tay như vậy không thấy đau mà ngược lại, còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn.
 
Trường hợp nặng hơn, căn bệnh này có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác như những cơn rối loạn vận động phân ly. Khi xuất hiện triệu chứng này, bệnh nhân cần được điều trị bằng liệu pháp tâm lý, uống thuốc chống trầm cảm và giải lo âu.
 
Các bạn trẻ, đặc biệt là trong lứa tuổi "dở dở ương ương" rất cần sự quan tâm, chia sẻ của những người xung quanh
 
Ở tuổi teen, tâm lý các em có nhiều biến động, chưa ổn định. Teen thường nghĩ cha mẹ không hiểu mình. Teen có nhiều cảm xúc, có khi tưởng tượng ra những u uất, đau khổ và giữ kín trong lòng không thể chia sẻ cùng cha mẹ được. Nhưng ngược lại rất cần sự quan tâm chia sẻ của gia đình, bạn bè, người thân.
 
Có thể kể ra đây những nguyên nhân khiến trẻ tuổi teen có hội chứng “tự hành hạ bản thân”: thứ nhất, trẻ có lối sống khép kín, không thể hiện được mình, bị mọi người - đặc biệt là người thân - thờ ơ, trẻ làm những hành động đó để cha mẹ, mọi người quan tâm. Thứ hai, do bị bạn bè khích, muốn thể hiện bản thân, do bắt chước, do bị sốc tâm lý, thất vọng, do hiểu không đúng về “emo”...
 
Thứ ba, trẻ được tiếp xúc nhiều thông tin nhưng chưa biết chọn lọc, suy nghĩ còn nông cạn, tiêu cực. Thứ tư, do trẻ thiếu kỹ năng sống, không giao tiếp tốt, không biết cách kiềm chế cảm xúc. Thứ năm, trong lúc cảm xúc mãnh liệt, tuyệt vọng, đau khổ, khủng hoảng, mất phương hướng, cô đơn tột độ, hành hạ bản thân trở thành giải pháp giải tỏa tâm lý của trẻ. Khi trẻ không còn kiểm soát được cảm xúc của mình, trẻ có thể tự sát.
 
Theo các chuyên gia tâm lý Vander Kolk và Herman (Bệnh viện Edward, Chicago, Mỹ - nơi chuyên điều trị nội trú hội chứng tự cắt da thịt), hành vi trên phát triển như một căn bệnh gây nghiện. Khi phải chịu đau đớn về thể chất, cơ thể sẽ tiết ra một loại chất làm giảm cơn đau và giúp người ta quên đi những chán chường, thất vọng. Khi đã làm điều đó một lần, nạn nhân luôn ham muốn thực hiện nó mỗi khi gặp phải sự thất vọng, chán chường mà không biết cách khác để xoa dịu hay vượt qua.
 
Gia đình là liều thuốc tốt nhất
 
Nếu trẻ hiểu đúng “lối sống emo”, thích các trang phục và làm nổi mình bằng trang phục emo, sống thật với cảm xúc của mình thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu trẻ coi việc tự hành xác mình là giải pháp thì đó là hiện tượng của hội chứng “tự hành hạ bản thân”, không phải là “emo”.
 
Việc hành hạ bản thân chỉ giải quyết cảm xúc nhất thời, chứ không giải quyết tận gốc vấn đề, nguy hiểm hơn những hành động hành hạ bản thân có thể được xem là một căn bệnh nguy hiểm vì chính bản thân người bệnh không biết mình đang mắc bệnh, đang làm gì và không biết thoát ra bằng cách nào.
 
Theo các chuyên gia tâm lý, gia đình chính là giải pháp tốt nhất cho teen. Cha mẹ dù bận rộn thế nào cũng phải dành thời gian nhất định trong ngày để tiếp xúc, trao đổi, trò chuyện cởi mở với teen. Sự tôn trọng, hiểu tâm lý, chia sẻ, động viên, khuyến khích, nâng đỡ trẻ sẽ giúp trẻ có cuộc sống bình an. Cha mẹ phải là tấm gương, người bạn của trẻ.
 
Nhưng ngược lại, khi cô độc trẻ tuổi teen cũng cần chia sẻ những khó khăn, nỗi cô đơn mà teen đang gặp với bạn bè, thầy cô, các chuyên gia tâm lý, bác sĩ hoặc ai mà trẻ tin cậy để được giúp đỡ. Teen cũng có thể viết nhật ký...Trẻ tuổi teen cần tham gia hoạt động cộng đồng, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao...
 
Các chuyên gia tâm lý đều nhất trí cho rằng chỉ bệnh nhân mới có thể tự cứu mình bằng cách cởi mở tâm sự với bố mẹ, thầy cô, bạn bè và những người xung quanh. Trẻ luôn mong muốn được cha mẹ quan tâm, trò chuyện, vậy thay vì chỉ chờ điều này từ cha mẹ thì chính trẻ sẽ chủ động bày tỏ với cha mẹ.
 
Chứng hành hạ bản thân chỉ là giải pháp đánh lừa các em bằng nỗi đau thể xác mà thôi, nhưng hậu quả thì không lường hết được. Các em có nghĩ sau này với cánh tay, thân thể đầy sẹo sẽ luôn gợi cho các em nhớ về quá khứ không làm sao xóa được. Hãy để thân thể mình lành lặn nhé các em!
 
Thùy Hương (t/h)