Các nhà sinh vật học, bác sĩ lý giải, phân tích thêm về thông tin thịt bị cấy trứng đỉa, người ăn phải thịt này sẽ bị đỉa sinh sôi nảy nở trong bụng phá hoại nội tạng.

 



Đỉa được dùng trong y học thế nào?

Đỉa là một nhóm sinh vật sống dưới nước thuộc ngành giun đốt (Annelida) có thân mềm và nhầy phù hợp với việc bơi lội trong nước.

Thức ăn của đỉa là máu các loại động vật. Miệng đỉa có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Đỉa tiết ra chất chống đông máu nên vết chích sẽ bị chảy máu liên tục. Đỉa có nhiều loài khác nhau, có loài sống ở cạn, có loài sống ở nước ngọt.

Bác sĩ Quang cho biết: Từ năm 1884, người ta đã tìm ra trong nước bọt đỉa có chất hirudin chống đông máu. Nước bọt của đỉa tiết ra hỗn hợp hóa chất như thuốc gây tê và chất giãn mạch mở rộng mạch máu nơi vết cắn để đỉa hút được nhiều máu; chất chống đông và chất kháng sinh.

Đông y dùng đỉa để chữa bệnh sau khi phơi khô. Vị thuốc này vị mặn đắng, tính bình, tác động vào các kinh mạch thuộc can và bàng quang, có khả năng thông kinh thông huyết, dùng điều trị mụn nhọt nơi bụng dưới, đau bụng do tích tụ huyết, ít kinh...

Một số tài liệu cho biết đỉa có tác dụng trị nhọt độc, phong lở, bế kinh... Trong “Nam Dược Thần Hiệu” của Tuệ Tĩnh, đỉa được phơi khô, thái nhuyễn, sao đến khi vàng sậm, có công dụng làm tan huyết khối, trị mụn nhọt, phong lở...

Trong y học hiện đại, đỉa được dùng trong vi phẫu nhằm hỗ trợ việc nối các mạch máu nhỏ, chẳng hạn như khi ráp nối các phần bị đứt rời. Trong vai trò này, đỉa sẽ hút 10-15 ml máu cho một lần sử dụng. Nó làm máu rỉ liên tục tại chỗ bị cắn, giúp máu lưu thông hiệu quả trong thời gian vết thương chưa liền.

Những hóa chất do đỉa tiết ra cũng được áp dụng rộng rãi để nghiên cứu và bào chế các dược phẩm dùng điều trị các bệnh về tim mạch.

Năm 2004, việc sử dụng đỉa hút máu đã được chính phủ Mỹ thông qua để điều trị cho những người vừa trải qua phẫu thuật ghép da, hoặc để phục hồi tuần hoàn cho người bệnh.

 

Theo VTC

.