Ngày 4/7, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn nhộng ve sầu.

leftcenterrightdel
 Các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Các bệnh nhân nói trên gồm: C.K.L. (SN 1974, ở phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột), V.T.S. (SN 1985, ở phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột), P.V.T. (SN 1976, ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk). Tại thời điểm nhập viện, cả 3 bệnh nhân trên đều ở trong tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, trong đó có một bệnh nhân hôn mê và co giật.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc nghi do ăn nhộng ve sầu nên đã khẩn trương điều trị theo phác đồ.

Thông tin từ bác sĩ Nhựt cho biết, ngày 3/7, sau khi nhập viện, có một bệnh nhân do gia đình quá lo lắng nên đã xin chuyển viện lên tuyến trên. Hai bệnh nhân còn lại đang trong giai đoạn tạm ổn định, đã khống chế được co giật, có thể tiếp xúc chậm, các triệu chứng lâm sàng đang đỡ dần.

Trước đó, vào chiều 2/7, cả 3 bệnh nhân trên đã cùng đến nhậu tại một quán ở TP Buôn Ma Thuột. Tại đây, anh T. đưa ra một số nhộng ve sầu được người bạn tặng và nhờ đầu bếp của quán chế biến để nhậu.

Chiều cùng ngày, sau khi trở về nhà, cả 3 người trên đều có các biểu hiện nôn ói, chóng mặt và lần lượt nhập viện điều trị.

Bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt cho hay, ai cũng biết, nhộng con ve sầu ngon và nhiều chất đạm, ít chất béo... Tuy nhiên, trong nhộng ve sầu và con ve sầu tiềm ẩn rất nhiều thứ. Đặc biệt, loại côn trùng này sống lâu dưới đất nên nhiễm nhiều ký sinh trùng, vi sinh vật, đặc biệt là nấm.

Theo bác sĩ Nhựt, trên thân của nhộng ve sầu và xác ve sầu có một loại nấm cực độc, không phân hủy ở nhiệt độ. Vì vậy, dù có nấu chín cỡ nào, nấu lâu bao nhiêu đi nữa thì loại nấm này vẫn tồn tại và ký sinh trong thịt của con ve sầu. Do đó, khi ăn nhộng ve sầu và xác con ve sầu thì con người sẽ bị nhiễm loại nấm này. Loại nấm này cũng gây hậu quả khó lường và có thể đe dọa đến tính mạng. Triệu chứng lâm sàng của người bệnh khi nhiễm loại nấm này là từ mức độ nhẹ đến mức độ trung bình và nặng như: Hoa mắt, chóng mặt, rối loạn tuần hoàn não, thiếu máu não, nôn ói, đau đầu, lơ mơ, co giật, thậm chí suy hô hấp, trụy tim mạch và gây tử vong.

Bác sĩ Nhựt còn cho biết thêm: “Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho người bệnh khi nhiễm loại nấm này, chủ yếu điều trị triệu chứng và giải quyết hồi sức cấp cứu để cho cơ thể đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, để chờ đào thải ra ngoài thì rất nhiều hậu quả khôn lường. Do đó, nếu như không biết cách chế biến, cách làm nhộng ve sầu và con ve sầu thì người dân không nên sử dụng và hết sức cẩn trọng”./.

Nguyễn Chính