Các loại rau sống mọc ở dưới nước hay trên cạn, tiếp xúc với các chất thải của động vật ăn cỏ đều mang ký sinh trùng sán. Thâm nhập vào cơ thể, sán này sẽ chu du đến gan và hoành hành, ăn rỗng gan.
 
 
Trứng sán có trong đường mật của vật chủ chính. Sau đó trứng được đào thải ra ngoài theo phân dưới dạng trứng chưa trưởng thành. Ở bên ngoài, trứng chưa trưởng thành cần phải có môi trường nước để tiếp tục phát triển và hoàn thiện chu kỳ. 
 
Trong môi trường nước, trứng sán tiếp tục phát triển thành phôi, sau đó tự giải phóng ra ngoài dưới dạng  ấu trùng lông. Trong điều kiện thời tiết mùa hè thích hợp, thời gian này mất khoảng 2 tuần. Trùng lông di chuyển trong nước, tìm đến và xâm nhập vào vật chủ trung gian thích hợp là các loài ốc. 
 
Ở trong ốc, ấu trùng lông phát triển qua các giai đoạn thành bào ấu trùng và ấu trùng. Để tiếp tục chu kỳ các ấu trùng của sán lá gan lớn rời khỏi ốc bám vào bề mặt của các cây thủy sinh như các loại rau, cỏ… Ấu trùng có ở bề mặt của các cây thủy sinh là giai đoạn có khả năng gây bệnh của sán lá gan lớn. 
 
Lúc này các loại động vật ăn cỏ ăn phải cỏ có chứa ấu trùng hoặc người không may ăn phải các loại rau, củ thủy sinh có chứa ấu trùng thì sẽ mắc bệnh sán lá gan lớn. Điểm khác biệt của sán lá gan lớn so với sán lá gan nhỏ và một số loại sán lá khác là có thể “phát huy” vai trò gây bệnh ngay sau khi thoát ra khỏi vật chủ trung gian thứ nhất là ốc chứ không đòi hỏi phải có vật chủ trung gian thứ hai. 
 
Sau khi xâm nhập qua đường miệng, ấu trùng tới ruột non và thoát vỏ. Từ đây ấu trùng xâm nhập vào các khoang của cơ thể bằng cách xuyên qua thành ruột và nhập vào đường mật bằng cách xuyên qua nhu mô gan. Đôi khi ấu trùng tới gan bằng đường máu hoặc đường bạch huyết ở thành ruột. 
 
Ngoài gan và đường mật, ấu trùng sán lá gan lớn còn có thể xâm nhập vào phổi, tử cung, hoặc một số tổ chức liên kết. Khi đã tới được các cơ quan hay tổ chức, ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành gây bệnh, đẻ trứng để bắt đầu chu kỳ tiếp theo.
 
Khi làm tổ trong cơ thể, biểu hiện lâm sàng của bệnh sán lá gan lớn như mệt mỏi, biếng ăn, gậy sút, sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc sốt chỉ thoang qua rồi hết, đôi khi kéo dài, đau bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn... Các triệu trứng khác như đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da, ho, khó thở... tràn dịch màng phổi.
 
Chẩn đoán bệnh bằng các xét nghiệm công thức máu, chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm, phát hiện kháng thể kháng sán lá gan lớn (chủ yếu bằng ký thuật ELISA), xét nghiệm phân. Thời gian theo dõi người bệnh điều trị tại cơ sở y tế ít nhất ba ngày và khám lại định kỳ sau 3, 6 tháng điều trị.
 
Theo Infonet