    |
 |
Cán bộ Sở Y tế cùng người thân nạn nhân đi tìm loại sâu gây ngộ độc. |
Theo lời kể của bà Pờ Thị N. (vợ ông Lèng Văn C., dân tộc Nùng), vào sáng ngày 9/7/2025, hai ông bà đi làm nương ngô, ông C. thấy có nhiều con sâu (con bọ) ở cây rau bí được trồng xen với ngô, ông C. nghĩ ăn được nên bắt về rửa sạch và sau đó mang đi rang mỡ muối để ăn bữa trưa.
Khoảng 11 giờ, bữa trưa có hai vợ chồng ông C. cùng ăn, gồm có các món: Con sâu (bọ) rang mỡ muối, thịt gà xào, dưa chuột, cơm; Bà N. ăn đủ hầu hết các món, trừ con sâu (bọ). Ông C. ăn đủ các món. Khi ông C. ăn con sâu (bọ) đầu tiên vào thấy hơi đắng nhưng cho rằng đó là thuốc và cố ăn khoảng 20 con nữa.
Sau khi ăn xong khoảng hơn một tiếng thấy buồn nôn và nôn nhiều lần ra thức ăn, có cảm giác tức ngực, khó thở, đau bụng nhiều quanh rốn, đi ngoài nhiều lần phân lỏng. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày ông C. được gia đình đưa đi Bệnh viện Đa khoa khu vực Mường Khương điều trị. Tại đây, ông C. có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và nôn nhiều lần ra thức ăn lẫn dịch tiêu hóa, toàn thân tê mỏi, miệng đỏ và tê, đau tức ngực, khó thở, suy hô hấp, nước tiểu có máu. Đến 5 giờ sáng 11/7/2025, ông C. trở nặng được Bệnh viện chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa số 2 tỉnh Lào Cai điều trị. Tuy nhiên ông C. đã tử vong trên đường đi.
Đây là loại sâu bọ có nhiều ở địa phương vào mùa hè, có cánh cứng, thân hình nhỏ, màu đen xen kẽ với cam, có 2 râu. Kích thước của chúng thường dài khoảng 2-3cm và rộng khoảng 0,4-0,6cm, thường hút mật nhuỵ hoa bí.
Bà N. cho biết, trước đây gia đình, người nhà bà chưa từng ăn loài sâu như trên, bà có ngăn cản nhưng ông C. có nói loại sâu này có người bán sang Trung Quốc làm thuốc có giá rất cao nên có thể là thuốc tốt nên cố tình ăn.
Đoàn công tác của Sở Y tế Lào Cai đã phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương và gia đình bà N. điều tra hồi cứu, lấy lại số sâu còn sót lại sau bữa ăn đang được lưu tại Trạm Y tế xã; đồng thời lên nương ngô (nơi ông C. đã bắt sâu) để thu thập mẫu sâu có đặc điểm hình thái giống loại ông C. đã ăn để gửi kiểm nghiệm định danh và xác định độc tố.
Người dân vùng núi hiện nay thường có thói quen bắt và chế biến các loại côn trùng thành các món ăn và coi là đặc sản. Việc không biết rõ các loại côn trùng đó có độc hay không, cách chế biến như thế nào cho đúng… thì nguy cơ gây ra ngộ độc rất cao, tỷ lệ tử vong do độc tố tự nhiên là rất lớn.
Sở Y tế Lào Cai khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các loại động, thực vật lạ; khi có biểu hiện của ngộ độc thực phẩm, cần gây nôn càng sớm càng tốt và đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời; lưu giữ và bảo quản toàn bộ thức ăn, đồ uống đã ăn để phục vụ công tác điều tra của cơ quan chức năng.