Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, đa số các ca tai nạn giao thông nhập viện là do uống bia rượu, không đội mũ bảo hiểm, nhiều trường hợp nhập viện do đánh nhau sau uống rượu.

 


Trong những ngày nghỉ Tết, theo thống kê của Bộ Y tế, tai nạn giao thông là một vấn đề nổi cộm trong dịp Tết năm nay. Mỗi ngày các bệnh viện trên toàn quốc tiếp nhận khoảng trên 5000 trường hợp bị TNGT được đưa đến cấp cứu.

Riêng 3 ngày cao điểm (từ 29 đến mùng 2 Tết) đã có đến 17.278 trường hợp được đưa đến viện cấp cứu vì TNGT, trong đó 1.928 trường hợp chấn thương sọ não (chiếm 11,2%), 182 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não (chiếm 1%).

Đặc biệt, có 10 trường hợp tử vong do đánh nhau (chiếm 2% tử vong tại BV), con số này trong 3 ngày Tết Ất Mùi là 4 trường hợp.

Tổng số ca cấp cứu do ngộ độc thức ăn chủ yếu là rối loạn tiêu hoá trong ba ngày nghỉ đầu tiên của Tết là 1.971 trường hợp. Số nhập viện giảm nhẹ so với Tết Ất Mùi, chưa có báo cáo về vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt.

Tại Bệnh viện Việt Đức ngày nghỉ Tết luôn là “ác mộng” của các bác sĩ bởi số ca nhập viện bao giờ cũng tăng hơn ngày bình thường và nhiều bệnh nhân nặng.

Thạc sĩ Pham Gia Anh, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức, cho biết, từ ngày 29 Tết đến nay, trung bình số lượng bệnh nhân đến khám cấp cứu luôn ở mức cao hơn so với các ngày thường. Ngày thường tại Bệnh viện Việt Đức chỉ tiếp nhận trung bình 150 bệnh nhân, có những ngày tăng lên 170 bệnh nhân. Trong những ngày Tết, số lượng bệnh nhân luôn đông, như ngày mùng 3 Tết có đến 176 được đưa đến cấp cứu, ngày mùng 5 Tết là 166 bệnh nhân...

Tính trung bình trong 7 ngày nghỉ Tết, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đến khám cấp cứu, trong đó đến 60% là do TNGT. 2/3 trong số đó bị chấn thương sọ não nguy kịch vì không đội mũ bảo hiểm. Đa số bệnh nhân nhập viện do tai nạn ngày Tết đều có sử dụng rượu bia và đặc biệt là tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, thường trực công tác báo cáo tình hình cấp cứu, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, đánh nhau, ngộ độc trong dịp Tết nhằm chủ động giám sát kịp thời diễn biến bất thường.

1.300 đơn vị, thông qua hệ thống báo cáo trực tuyến Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế cũng như Sở Y tế 63 tỉnh thành chủ động nắm bắt tình hình để tổng hợp tình hình báo cáo Chính phủ. Số liệu này đồng thời cũng được chia sẻ các cơ quan liên quan để cùng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
 

Theo infonet

.