(BVPL) - Khi lọt lòng chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay mẹ, một bé 630 gram và một bé 570 gram – hai bé gái song sinh cực kỳ non yếu đã được cứu sống kỳ diệu bởi những “đôi bàn tay vàng” của các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmes Times City. Đây chỉ là một trong những niềm hạnh phúc lớn lao của hàng trăm gia đình trẻ sinh non đã được các bác sĩ Vinmec nuôi dưỡng thành công.
Cứu sống 2 bé song sinh non yếu ở tuần 25
Cuối tuần qua, hơn 50 gia đình các em bé sinh non từng được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Vinmec Times City đã hào hứng tới tham dự Chương trình “Gặp mặt và trao đổi kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non” lần đầu tiên được tổ chức tại bệnh viện.
|
Bức ảnh lưu giữ kỷ niệm lần gặp mặt đầu tiên của gần 50 em bé sinh non được chăm sóc thành công tại Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City ngày 26/12/2015. |
Sau 4 tháng được điều trị và chăm sóc, bé Hán Bảo A. đã tăng từ 570gram lên 3,2kg; biết tự bú và không còn các nguy cơ với sức khỏe. Vì thế, các bác sĩ Khoa Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã quyết định cho bé xuất viện đúng ngày cuộc Gặp mặt.
|
Các điều dưỡng Khoa Sơ sinh chia sẻ hạnh phúc với gia đình có con sinh non |
Bé Bảo A. là một trong 2 bé song sinh cực kỳ non yếu ở tuần 25 từng được nuôi dưỡng và chăm sóc thành công tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Khi lọt lòng mẹ, bé A. chỉ nặng 570gram, em gái song thai 630gram, nằm gọn trong lòng bàn tay. Cặp song sinh này chỉ nhỉnh hơn cặp sinh non nhẹ cân nhất với 24 tuần tuổi, nặng 500 gram và 600gram được nuôi dưỡng thành công đầu năm 2015 vừa qua. Tuy nhiên, và diễn biến sức khỏe của 2 em bé sinh non tại Vinmec Bảo A. và Bảo D. rất khó tiên lượng. Cả hai đều suy hô hấp rất nặng (bệnh màng trong độ 4), phải thở máy kéo dài hơn 1 tháng. Bé Bảo A. bị chảy máu phổi 3 lần, tăng áp động mạch phổi, nhiễm khuẩn nặng, suy tuần hoàn, còn ống động mạch.
|
Gia đình cặp sinh đôi Ngọc Anh – Ngọc Ánh (Hải Phòng, 850gram và 1.000gram) với hạnh phúc trọn vẹn khi 2 bé sau 6 tháng đã nặng 6kg, phát triển hoàn toàn bình thường. |
Ở Việt Nam, những trường hợp sinh non yếu tương tự như 2 bé Bảo A. và Bảo D. khả năng sống là rất hiếm. Ngay cả trên thế giới, tỉ lệ tử vong với những trẻ cực non này là 50%; với các ca sống sót thì tỉ lệ di chứng nặng cũng lên tới 30%. Tuy nhiên, sau hơn 3 và 4 tháng liên tục được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Sơ sinh Vimec bằng nhiều biện pháp hỗ trợ như bơm sunfactan, hỗ trợ các loại thuốc vận mạch, thở máy cao tần, điều trị kháng sinh, truyền máu và thuốc tăng cường miễn dịch …, cả 2 bé đều đã lần lượt xuất viện. Hiện tại, cả 2 bé không có bất cứ nguy cơ biến chứng lâu dài nào.
|
Thay mặt các gia đình, chị Nguyễn Thị Hương Trang (Bắc Ninh) đã tặng BS Trần Liên Anh (người mặc áo dài xanh) – Trưởng khoa Sơ sinh món quà tri ân khoa đã cứu sống thành công nhiều trẻ sinh non. |
Anh Hán Xuân Tiến, bố 2 bé xúc động chia sẻ: “Khó khăn của chúng tôi đã có ngay từ những ngày mang song thai. Sau đó, 2 bé ra đời quá sớm và non nớt, nhiều lúc gia đình lúc tưởng như đã mất hy vọng. Vì thế, cuộc sống của 2 bé hôm nay thực sự như một phép màu”.
Quy trình chăm sóc trẻ sinh non tương đương các nước tiên tiến
Cũng giống như gia đình anh Hán Xuân Tiến, “những phép màu cuộc sống” như vậy cũng đã đến với gia đình các cặp song sinh non cực kỳ nhẹ cân khác được nuôi dưỡng thành công tại Vinmec như hai bé Gia Bình - Gia Bảo (1.000gram và 1.100 gram, ở Hà Nội); Ngọc Anh - Ngọc Ánh (850gram và 1.100gram, ở Hải Phòng); hai bé con chị Nguyễn Thị Dung (1.100 gram và 1.700 gram, ở Quảng Ninh)...
|
Bé Hán Bảo A. (sinh non 25 tuần, nặng 570gram) lúc mới sinh chỉ nhỏ bằng cổ tay người lớn, với nhiều nguy cơ kèm theo. |
Trong hơn 200 trẻ sinh non từng được Khoa Sơ sinh Vinmec tiếp nhận, 98% trường hợp đã ra viện khỏe mạnh, không để lại di chứng. Sau đó, hầu hết các bé đều bắt kịp phát triển về thể lực và tinh thần trẻ cùng trang lứa khi được gần 1 tuổi. Bài kiểm tra đánh giá thực hiện trong ngày hội về sự phát triển thể chất, tinh thần, vận động của 50 bé sinh non đều đạt kết quả tốt.
Bế trên tay bé Bảo Trân (ở Hà Nội) khi sinh 870gram nay đã được 6 kg, mẹ bé chia sẻ: “Trong 3 tháng đầu tiên con về nhà, chúng tôi vẫn thường rất căng thẳng. Bởi với cân nặng nhỏ, bú khó khăn, bé còn dễ bị hạ thân nhiệt, sức đề kháng kém và dễ ốm. Bao nhiêu lo lắng như vậy, không chỉ cần bác sĩ tư vấn, chúng tôi rất muốn gặp những gia đình cùng hoàn cảnh để chia sẻ kinh nghiệm nuôi dưỡng tốt nhất cho con”. Đó cũng là lý do mà tôi và và nhiều gia đình dù ở xa vẫn cố gắng đưa con tới cuộc gặp bổ ích này.
|
Sau 4 tháng được chăm sóc tại Bệnh viện ĐKQTV Vinmec Times City, hiện bé nặng 3,2kg, biết bú tốt, sức khỏe bình thường và đã được về nhà. |
Là chuyên gia đã có gần 40 năm kinh nghiệm nuôi dưỡng trẻ sinh non, bác sĩ Trần Liên Anh – Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City cho biết: “Tuổi thai và nguyên nhân sinh non mỗi bé khác nhau. Vì thế, với mỗi trường hợp, chúng tôi luôn thận trọng trong từng khâu chẩn đoán, điều trị và nuôi dưỡng trẻ”.
Theo bác sĩ Liên Anh, chính những kinh nghiệm chuyên môn vững vàng, lòng yêu trẻ và tận tụy của các bác sĩ – điều dưỡng; kết hợp với sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị hiện đại tại khoa Sơ sinh Vinmec góp phần làm nên thành công cứu sống 200 trẻ sinh non, không để lại di chứng trong suốt 4 năm qua.
|
Bà nội cháu 2 bé song sinh cực kỳ non yếu Hán Bảo D. và Hán Bảo A (25 tuần, nặng 630gram và 570gram) xúc động khi 2 bé đã được Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City cứu sống. |
Với các trường hợp mắc dị tật bẩm sinh, Khoa Sơ sinh đã phối hợp với các bác sĩ ngoại nhi, đặc biệt là chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật nhi – GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cứu sống nhiều trẻ teo thực quản, thoát vị cơ hoành… Tin tưởng tay nghề của các bác sĩ Vinmec, không ít bà mẹ khi chẩn đoán trước sinh phát hiện con có dị tật, đã lựa chọn sinh tại đây để bé được chăm sóc và điều trị trong điều kiện tốt nhất ngay khi chào đời.
Được biết, các quy trình chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sinh non nói riêng và trẻ sơ sinh có bệnh lý nói chung tại Vinmec đem lại hiệu quả tương đương với các quốc gia tiên tiến. Tuy nhiên, chi phí chỉ bằng 1/5 so với với các nước trong khu vực và 1/10 trên thế giới.
Hạnh Nguyên