GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM khẳng định, yếu tố di truyền của bệnh ung thư thấp và khả năng phòng ngừa rất cao nếu người dân biết cách tự bảo vệ mình.
 


Yếu tố bên ngoài là chủ yếu

Theo TS.BS Phạm Xuân Dũng (Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM), bình quân mỗi năm trên thế giới có gần 13 triệu người mắc mới bệnh ung thư và hơn 7,5 triệu người tử vong. Riêng trong nước, hằng năm có khoảng 116.000 người mắc mới bệnh ung thư (tính chung các loại); hơn 80.000 bệnh nhân ung thư bị tử vong.

Các loại ung thư thường gặp trên thế giới đối với nam gồm: ung thư phổi, tuyến tiền liệt, trực tràng, bao tử, gan... Còn ở nữ thường gặp là ung thư vú, cổ tử cung, trực tràng, phổi, bao tử... Thống kê gần đây nhất (năm 2013) tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho thấy 10 loại ung thư vào bệnh viện này nhiều nhất theo thứ tự gồm: ung thư vú, cổ tử cung, tuyến giáp, phổi, buồng trứng, gan, vòm hầu, dạ dày, da, trực tràng. Bình quân, mỗi năm lượng bệnh nhân ung thư vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tăng 10%.

Khảo sát trên cũng cho thấy ở cả nam và nữ khi bước qua tuổi 40 thì nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao hơn.

Ở TPHCM, cứ 12 phụ nữ/100.000 người bị ung thư phổi cho dù không hút thuốc lá, đó là vì bị khói thuốc lá thụ động. IARC (Cơ quan quốc tế về nghiên cứu ung thư) ước tính, ăn uống không lành gây 1/3 gánh nặng ung thư. Thức ăn muối mặn hun khói, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, mỡ béo, ít ăn rau quả tươi, ít vận động, fastfood và béo phì làm tăng nguy cơ, đặc biệt ung thư dạ dày, đường ruột, vú…

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng khẳng định: “Ung thư là bệnh có nguyên nhân từ bên ngoài nhiều hơn. Yếu tố di truyền chỉ chiếm 5-10%, người ta cho rằng “Ung thư thì trời kêu ai nấy dạ”; nhưng thực ra ta ăn uống, sinh hoạt thế nào, thì sức khoẻ của ta như vậy”.

40% số ung thư có thể phòng ngừa được.

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho rằng, ung thư chỉ là nan y khi phát hiện trễ. Hiện nay có nhiều phương pháp phát hiện sớm, cơ may điều trị khỏi gấp nhiều lần. Ví dụ, ung thư cổ tử cung (CTC) chia làm giai đoạn 1,2,3,4… Phát hiện càng sớm, trị đúng cách, càng có khả năng khỏi bệnh. Ung thư vú khi mới là một cục u sờ thấy khoảng 1 cm tức là mới ở giai đoạn 1, nếu được điều trị đúng cách thì 75-85% có kết quả tốt.

Để phòng chống ung thư, phải khai thác các nguy cơ và khuyến khích mọi người theo nếp sống lành mạnh, loại bỏ khói thuốc lá, tránh uống rượu quá đà, phòng tránh bệnh nhiễm, tập thể dục đều, ăn đúng ăn lành, giữ cân vừa phải. Ngừa bệnh có tiềm năng lớn nhất, hiệu quả và lâu dài trong cuộc chiến chống ung thư. Các ung thư phổi, gan, dạ dày khó trị, nhưng có thể phòng tránh tốt. Nên lưu ý phòng bệnh với vaccine (chống HBV và HPV), quan hệ tình dục an toàn, bảo quản thức ăn đúng, bỏ thói quen ăn cá sống, dùng các sản phẩm máu an toàn. Tiêm vaccine ngừa HPV, xét nghiệm điều trị H.Pylori. Tích cực phòng ngừa các bệnh nhiễm này trước khi chúng gây ung thư.
 

Theo infonet

.