Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỉ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân chiếm gần 20% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh và chiếm tới 25% trong số các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

Trên thế giới, ước tính cứ 10 trẻ sinh ra thì có hơn 1 trẻ sinh non, tức là mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non. Tuy nhiên, trong số này có tới hơn 1 triệu trẻ tử vong, nhiều trẻ sống được nhưng gặp phải những vấn đề về phát triển trí tuệ, thị giác và thể chất.

Còn tại Việt Nam, mỗi năm có đến 150.000 trẻ sinh non nhẹ cân chào đời và tỉ lệ tử vong ở nhóm trẻ này chiếm tới 25% tử vong sơ sinh, là 1 trong 42 nước có tỉ lệ tử vong sinh non cao nhất thế giới.

Riêng tại bệnh viện Phụ sản Trung Ương, do là tuyến đầu của cả nước nên có tới hơn 4.000 ca sinh non tại bệnh viện. ThS.BS Trần Diệu Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), cho biết, Khoa Chăm sóc sơ sinh trung bình mỗi ngày luôn chăm sóc, điều trị cho 150-180 trẻ sinh non với thời gian điều trị từ 5 - 60 ngày do mang các bệnh lý ở đường tiêu hóa (nhiễm trùng đường ruột), bệnh ở mắt ( bongvõng mạc), bệnh ở phổi (viêm phổi)…

Đặc biệt, tỉ lệ trẻ sinh non được chăm sóc tại viện đã tăng dần đều trong 3 năm trở lại đây: từ 15% lên 18% trong 3 năm 2011-2013.

 

1
Trẻ sinh non/bệnh lý đang được chăm sóc tại Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV PS TƯ (Ảnh: VTV)


Nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng sinh non là do mẹ quá trẻ, dinh dưỡng kém, lao động vất vả, bệnh lý tử cung, tiền sử sinh non, đa ối, đa thai, thai dị dạng… hay đơn giản là tình trạng viêm nhiễm của người mẹ (viêm phổi, viêm họng, thậm chí sâu răng).

ThS.BS Trần Diệu Linh chia sẻ, Trung tâm đã từng tiếp nhận thai phụ 12 tuổi, chuyển dạ khi thai mới 32 tuần tuổi và sinh con nặng 1,8kg.

Lý giải về tình trạng gia tăng các trường hợp sinh non, ThS Diệu Linh cho biết: “Nguyên nhân là bởi dân trí ngày càng cao, người dân biết nhiều thông tin hơn nên tìm tới những nơi họ tin tưởng (bệnh viện phụ sản Trung ương - PV) và đặc biệt là tâm lý không bỏ phôi nào khi thụ tinh ống nghiệm thành công của những gia đình quá khó khăn đường con cái. Trên thực tế, ThS. Diệu Linh và các đồng nghiệp đang phải “trực chiến” 1 trường hợp chuẩn bị sinh tư tại bệnh viện.

Tuy nhiên, điều may mắn là tỉ lệ điều trị thành công các trường hợp sinh non đang ngày càng tăng lên. Theo TS. Vũ Bá Quyết, Giám đốc bệnh viện Phụ sản TƯ, hiện đã có thể cứu trẻ sơ sinh 22 tuần tuổi và bệnh viện đã từng nuôi sống thành công trẻ nặng có 500g.

Và sự thành công này là nhờ thiết bị kỹ thuật hiện đại và ngoài việc chú trọng thở máy, các thuốc đắt tiền tiêm thẳng vào phổi thì nay các chuyên gia cũng quan tâm đến dinh dưỡng của trẻ nhiều hơn.

Cuối cùng, để tránh nguy cơ sinh non, BS Diệu Linh khuyên thai phụ nên khám định kỳ, chú trọng chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý.

Tại Lễ hưởng ứng Ngày thế giới vì trẻ sinh non 17-11 do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, Bác sĩ Hoàng Anh Tuấn, Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, cho biết: Đến nay vẫn còn 20 tỉnh thành chưa có khoa sơ sinh. Đặc biệt có khoảng 63% bé sinh non đến bệnh viện bằng xe máy, 1% đến bệnh viện bằng... xe đạp, phương tiện này khiến cơ hội sống của trẻ sinh non rất thấp.
 

Theo Dân trí

.