Cách làm mới trong xây dựng nông thôn mới
Hưởng ứng phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới của VKSND tối cao và UBND tỉnh Quảng Ninh, ngày 12/4/2021, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-VKS về việc “Tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” và ngày 6/6/2021, Chương trình hành động số 04/CTr-VKS về “Tham gia xây dựng nông thôn mới năm 2021” đã cụ thể hoá nhiệm vụ đối với các đơn vị trực thuộc VKS tỉnh nhằm tiếp cận và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
|
|
Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Huy Thắng cùng Tổ Công đoàn Phòng 2 tặng quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Bình Liêu; Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh Đặng Đình Vang căn dặn cháu Lê Yến Nhi nỗ lực học tập tốt. |
Để triển khai được bài bản, thống nhất, VKSND tỉnh Quảng Ninh thành lập Ban xây dựng nông thôn mới, trong đó thành lập các Tổ đỡ đầu. Mỗi Tổ sẽ phụ trách đỡ đầu 1-2 học sinh cụ thể.
VKSND tỉnh làm việc trực tiếp với một số phòng ban, UBND một số xã trên địa bàn để rà soát, lựa chọn những học sinh khó khăn có nghị lực vươn lên trong học tập, trong đó tập trung vào đối tượng là các cháu học sinh THCS, THPT có hoàn cảnh khó khăn để nhận giúp đỡ, đỡ đầu các cháu trong học tập, định hướng nghề nghiệp.
Sau khi nắm bắt, đánh giá toàn diện các mặt, Tổ giúp việc tổng hợp kết quả, báo cáo Lãnh đạo VKSND tỉnh để quyết định danh sách các cháu được VKS nhận đỡ đầu. Đồng thời, phân công cụ thể các đơn vị, cá nhân Kiểm sát viên triển khai thực hiện các hoạt động giúp đỡ. VKSND tỉnh Quảng Ninh cũng đề rõ nội dung các hoạt động giúp đỡ cụ thể, như: Quan tâm, giúp đỡ đối với hộ gia đình của các cháu được nhận đỡ đầu về cơ sở vật chất và tinh thần như: vốn mua sắm giống, giới thiệu việc làm… để có thu nhập ổn định; quan tâm, giúp đỡ các cháu về học tập, định hướng nghề nghiệp. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để động viên các cháu trong học tập, giúp đỡ các cháu theo học các lớp cao hơn hoặc tham gia lớp học nghề phù hợp; đối với các cháu có nguyện vọng thì định hướng, giới thiệu các cơ sở đào tạo việc làm để có nghề nghiệp, thu nhập ổn định… Kinh phí giúp đỡ từ 600-700 nghìn đồng/cháu/tháng.
Ngoài ra, trong các dịp Lễ, Tết, khai giảng, các đơn vị, cá nhân được phân công sẽ tiến hành khảo sát nhu cầu của các cháu để có phần quà động viên phù hợp, như: sửa lại nhà, mua xe đạp đi học, sách vở, cặp sách, máy tính cầm tay, quần áo…
Về nguồn kinh phí thực hiện, VKSND tỉnh Quảng Ninh phát động cán bộ, công chức, người lao động VKS hai cấp mỗi người ủng hộ ít nhất 1 ngày lương/năm vào Chương trình xây dựng nông thôn mới của Ngành. Tranh thủ các nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, đơn vị hữu quan, sự ủng hộ của các đơn vị trong và ngoài Ngành.
Sau hơn 1 năm thực hiện, hoạt động đỡ đầu các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của VKSND tỉnh Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều kết quả đáng mừng, trở thành phong trào sôi nổi của VKS hai cấp. Việc giúp đỡ các cháu, nhất là cách thức thực hiện gắn kết, thực chất, bài bản của VKSND tỉnh Quảng Ninh được gia đình trân trọng, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Những “con nuôi” của Viện kiểm sát
Thông qua phối hợp rà soát với chính quyền huyện Ba Chẽ, VKSND tỉnh Quảng Ninh quyết định nhận đỡ đầu cháu Lê Yến Nhi (học sinh lớp 9 Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nam Sơn) và cháu Trình Thị Lan (học sinh lớp 7 Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú) là 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nghị lực vươn lên trong học tập.
|
|
Phòng 3, VKSND tỉnh Quảng Ninh thăm hỏi, tặng quà cháu Trần Mai Hòa (học sinh Trường THPT Bình Liêu). |
Tiếp nối những “đứa con đầu lòng”, VKSND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nhận đỡ đầu cháu Trần Mai Hoà (học sinh Trường THPT Bình Liêu) với mức hỗ trợ 700.000 đồng/tháng, cam kết giúp đỡ cháu đến khi tròn 18 tuổi, được học nghề ổn định. Tết Nguyên đán 2022, ngoài phần quà là bánh kẹo, nhu yếu phẩm cần thiết và quần áo ấm, cháu Trần Mai Hoà còn được hỗ trợ 4 triệu đồng từ đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh và tập thể Phòng 3 nhằm động viên và giúp đỡ cháu trong học tập.
Hưởng ứng phong trào của VKS 2 cấp tỉnh Quảng Ninh, mới đây, VKSND thị xã Đông Triều đã nhận đỡ đầu cháu Nguyễn Thị Thảo Ngọc và Nguyễn Hoàng Hải Như (học sinh Trường THCS Mạo Khê I và Trường THCS Xuân Sơn), đều là những học sinh giỏi nhưng có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Theo đó, mỗi cháu được nhận gói học bổng trị giá 600.000 đồng/tháng, thời gian thực hiện từ tháng 9/2021 đến khi tròn 18 tuổi.
Viện trưởng VKSND thị xã Đông Triều Nguyễn Văn Thạnh cho biết: Hoạt động của tập thể đơn vị nhằm góp phần chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, động viên, khích lệ các cháu tiếp tục phấn đấu trong học tập, rèn luyện để trở thành công dân có ích cho xã hội. Các thành viên trong Tổ đỡ đầu thực hiện nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch, bảo đảm hoàn thành chương trình thực chất, hiệu quả. Đây là lần đầu tiên VKSND thị xã Đông Triều thực hiện Chương trình đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp trong tập thể Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên và người lao động của đơn vị. Tuy mức hỗ trợ không lớn nhưng thiết thực, góp phần chia sẻ khó khăn với các cháu học sinh, giúp các cháu tự tin đến trường, nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ của mình.
Cho đến nay, VKSND hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với phòng ban, UBND các địa phương rà soát, lựa chọn được 11 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn để nhận giúp đỡ, đỡ đầu (huyện Ba Chẽ 3 cháu, huyện Bình Liêu 2 cháu, thị xã Đông Triều 2 cháu, TP Uông Bí 1 cháu, huyện Vân Đồn 1 cháu, huyện Hải Hà 2 cháu).
Ông Nguyễn Minh Sơn, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh cho biết, thời gian qua, VKSND tỉnh đã chủ động, tích cực, có cách làm hết sức thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Với tinh thần tương thân, tương ái, tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động ngành Kiểm sát Quảng Ninh đã góp phần chung tay cùng các địa phương trong tỉnh xoá nhà tạm, dột nát, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn cải thiện chất lượng cuộc sống, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn của tỉnh, góp phần đưa 98/98 xã, 9/13 địa phương cấp huyện hoàn thành Chương trình nông thôn mới theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2015-2020.
Giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống 0,41% (cả nước 4%) theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025, giảm 16,94% so với năm 2010. Đưa 26 xã, 56 thôn ra khỏi diện thuộc Chương trình 135 hoàn thành vào năm 2019, sớm trước 1 năm so với kế hoạch của tỉnh đề ra.