Góp phần xua cái rét, đẩy lùi cái đói
Tiếp tục hưởng ứng các phong trào thi đua như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2, “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong năm qua, toàn ngành KSND đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng về cơ sở, nơi còn có những mảnh đời có hoàn cảnh kém may mắn ở nhiều địa phương trong cả nước.
Tại VKSND tối cao, ngay từ đầu năm, Đảng bộ VKSND tối cao đã tặng 2 căn nhà tình nghĩa cho hai gia đình khó khăn ở xã Triệu Độ và xã Triệu Đại (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, Đảng bộ VKSND tối cao đã mở nhiều cuộc vận động ủng hộ của cán bộ, công chức ngành kiểm sát tặng trao hàng chục ngôi nhà tình nghĩa tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có 2 căn nhà tình nghĩa ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, quê hương của đồng chí Trần Hữu Dực, nguyên Viện trưởng VKSND tối cao, nơi có nhiều người dân còn khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ và chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh…
Các hoạt động xã hội, thiện nguyện tiếp tục được đẩy mạnh trong cán bộ, đoàn viên công đoàn toàn cơ quan VKSND tối cao như: tham gia ủng hộ kinh phí xây dựng Nhà bia truyền thống; trao quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Tuyên Quang; quyên góp, ủng hộ ngày lương để kịp thời động viên, giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra (như ủng hộ huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa 200 triệu đồng; ủng hộ 20 triệu đồng cho Trường THCS bán trú xã Tam Trung, huyện Mường Lát),…
|
|
Đại diện lãnh đạo VKSND tỉnh Quảng Ninh trao quà tặng cho xã Quảng Lợi. Ảnh: Thanh Tú |
Ở VKSND các địa phương trong cả nước, hoạt động xây dựng nông thôn mới, chung tay vì cộng đồng thường xuyên được kết hợp, lồng ghép với việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: các chiến dịch thanh niên tình nguyện (chiến dịch thanh niên tình nguyện mùa Hè, thanh niên tình nguyện mùa Đông, Xuân tình nguyện, ngày Chủ nhật hồng (hiến máu), ngày Chủ nhật xanh (tạo cảnh quan, vì môi trường xanh - sạch - đẹp),… Trao tặng các phần quà cho các đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, nhà ở tại các xã, phường; tặng quà cho bà con nhân các ngày lễ, Tết và tặng quà cho các cháu học sinh vượt khó học giỏi…
Đóng góp ủng hộ các quỹ do Công đoàn cấp trên phát động như: Học giỏi sống tốt, Bảo trợ trẻ em, Đền ơn đáp nghĩa, Ngày vì người nghèo, Ủng hộ đồng bào bị bão lũ, Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, Tiếp bước trẻ em đến trường, Ủng hộ các chiến sĩ hải đảo, Giúp đỡ bệnh nhân ung thư, Mái ấm Công đoàn,Thăm và tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Ủng hộ nhân dân các nước bị thiên tai.
Những phần quà tuy không lớn, nhưng gửi gắm tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức các VKS, với tinh thần tương thân tương ái, động viên các hộ nghèo vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều đơn vị VKS đã vận động, phối hợp xây dựng nhiều căn nhà tình nghĩa cho nhiều gia đình nghèo, gia đình chính sách ở địa phương; nhận phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; nhận đỡ đầu những xã đặc biệt khó khăn; hưởng ứng thực hiện mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”.
Như tại VKSND tỉnh Hà Giang, nhiều năm qua, đơn vị đã nhận đỡ đầu xã Cán Chu Phìn (huyện Mèo Vạc);… Để sự giúp đỡ phát huy tính thiết thực, hiệu quả, lãnh đạo đơn vị cùng cán bộ đã thường xuyên xuống địa bàn để tiếp cận, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo; những khó khăn, vướng mắc của xã để kịp thời xem xét, tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ trong khả năng hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết;… Viện kiểm sát cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới bằng cả kinh phí và ngày công, trực tiếp tham gia hỗ trợ làm đường, ủng hộ xe đạp cho trẻ em đến trường,…
Hay tại VKSND tỉnh Quảng Ninh, gần đây nhất, Đoàn công tác của VKSND tỉnh do đồng chí Ngô Văn Canh, Phó Viện trưởng làm Trưởng đoàn đã đến làm việc, thăm hỏi và trao quà tặng là hệ thống truyền thanh trị giá hơn 100 triệu đồng được trích nguồn kinh phí tiết kiệm của đơn vị và vận động cán bộ, công chức 2 cấp quyên góp mỗi người 1 ngày lương ủng hộ UBND xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà (một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh)…
Những hoạt động thiết thực đã góp phần củng cố, tạo sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong việc chấp hành chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh khuyến học, phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Giúp người dân hiểu luật để hành xử văn minh
Có thể nói, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần để ngành KSND thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật được các đơn vị VKS thực hiện qua nhiều hình thức: lồng ghép trong những phiên tòa xét xử lưu động; trợ giúp pháp lý cho người nghèo, neo đơn; xây dựng tủ sách pháp luật và trao tặng sách; tổ chức các buổi nói chuyện,…
|
|
Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tham gia ngày hội hiến máu “Sống để yêu thương 2018”. Ảnh: ĐHKSHN |
Hưởng ứng “Ngày pháp luật Việt Nam”, nhiều hoạt động thiết thực đã được VKS cấp huyện, tỉnh trong toàn ngành triển khai rộng rãi thông qua việc kết hợp nội dung phổ biến giáo dục pháp luật; giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và pháp luật cho người dân, học sinh, thanh thiếu niên.
Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú tùy thuộc vào đặc điểm địa lý, lứa tuổi, thành phần dân cư mà có hình thức tuyên truyền phù hợp, như: đối với người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa thì chú trọng tuyên truyền các quy định pháp luật hình sự, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, xâm hại tình dục trẻ em, mua bán người, phòng chống tác hại của ma túy, bảo vệ tài nguyên rừng; đối với người dân đồng bằng, miền xuôi, chú trọng các quy định luật hình sự, dân sự, an toàn giao thông đường bộ, phòng chống cháy nổ.
Thời điểm gần Tết, chú trọng tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ, tác hại của pháo nổ, cờ bạc, mại dâm, ma túy. Gần đây, nhiều địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền về nạn “tín dụng đen”, các biện pháp phòng chống cháy nổ, pháo… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, nhất là bộ phận thanh thiếu niên. Từ đó, giúp các tầng lớp nhân dân có các hành vi ứng xử văn hóa, đúng pháp luật.
Và sống để yêu thương…
Trong năm qua, nhiều chi đoàn các VKS đã vận động đoàn viên Công đoàn cơ quan tham gia các buổi hiến máu ở địa phương với nghĩa cử “Một giọt máu trao đi - Một cuộc đời ở lại”, đến các bệnh viện để tặng quà, giúp đỡ các mảnh đời kém may mắn. Như hưởng ứng ngày hội hiến máu “Sống để yêu thương 2018”, sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã trao đi những giọt máu yêu thương của mình nhằm góp phần giảm thiểu nỗi lo thiếu máu của các bệnh viện dịp cuối năm, giúp bệnh nhân có thêm cơ hội sống hoặc kéo dài sự sống.
Không chỉ hỗ trợ hiến máu, các bạn sinh viên tình nguyện Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội còn mở gian hàng bán gây quỹ. Số tiền thu được từ hoạt động này sẽ đưa vào nguồn quỹ của chiến dịch tình nguyện “Đông trao yêu thương 2019 sắp tới của Câu lạc bộ Tình nguyện Đoàn trường.
Cũng nằm trong chuỗi các hoạt động gây quỹ cho “Đông trao yêu thương 2019” sắp tới, ngày 12 - 13/01/2019, tại xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, Câu lạc bộ Tình nguyện Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã tổ chức chương trình du ca tại phố đi bộ Hồ Gươm nhằm gây quỹ với mong muốn mang một mùa Đông ấm áp và đầy tình yêu thương đến với người dân xã Hồng Quang,…