“Thương gửi bố yêu kính của con! Có lẽ, các bố sẽ ngạc nhiên lắm khi đọc được những dòng tâm sự này của con. Thời gian qua, được sống cùng các bố, được các bố yêu thương, chăm sóc tận tình, con thực sự rất vui và hạnh phúc.
Các bố ơi, con yêu và rất tự hào về các bố. Vì sự bình yên miền biên cương của Tổ quốc, nhiều khi đang bữa cơm, các bố nhận lệnh là vội lên đường làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ khó khăn, vất vả là thế, nhưng các bố vẫn dành thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi để trò chuyện, kiểm tra bài vở cho hai anh em con. Con cảm ơn và yêu thương các bố rất nhiều...”
|
|
Thượng úy Nguyễn Văn Trọng - Đội trưởng đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng A Xan hướng dẫn các cháu học tập. |
Đọc được những dòng nhật ký của cậu bé Cơlâu Ân (SN 2009, xã Tr’hy, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), hẳn nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng những tình cảm chứa chan của Ân là dành cho những người bố nuôi ở Đồn Biên phòng A Xan.
Cha mẹ mất sớm, 3 anh em Ân sống cùng bà nội đã già yếu. Ngày ấy, bữa ăn của mấy bà cháu chỉ có cơm độn với rau rừng, khi bà nội ốm đau không đi rẫy được lại bị đứt bữa. Hoàn cảnh nghèo khó nhưng Ân rất ham học. Mỗi ngày đầu tuần, cậu bé đi bộ 12km đến trường, ở bán trú rồi tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần về đỡ đần phụ bà để có cái sống qua ngày... Giữa lúc Ân sắp phải nghỉ học vì bà ngày càng đau, yếu không đủ sức cho các cháu tiếp tục đến trường thì thật may mắn, các cán bộ, chiến sĩ ở Đồn Biên phòng A Xan tìm đến tận nhà Ân giúp đỡ, nhận em làm con nuôi, chăm lo cho em đến trường trong sự yêu thương, ấm áp.
Ngoài Ân, Đồn Biên phòng A Xan còn nhận nuôi thêm em Hốil Đức Hữu (SN 2012, thôn K’noonh, xã A Xan, huyện Tây Giang). Gia đình Hữu thuộc diện hộ nghèo. Bố em mắc bệnh hiểm nghèo, 10 năm qua phải liên tục nằm viện chạy thận; cái ăn, cái mặc trong cả gia đình chỉ trông chờ vào người mẹ. Mẹ Hữu đi làm thuê để có tiền chăm sóc chồng, em ở với cô chú nhưng nhà cũng nghèo.
Những ngày đầu về sống tại Đồn Biên phòng, Hốih Đức Hữu ốm yếu và hay nhớ nhà đòi về, còn Ân là một đứa trẻ thụ động, ít nói. Chỉ sau thời gian ngắn cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt tại Đồn Biên phòng, Ân và Hữu “thay da đổi thịt”, không còn mang vóc dáng gầy guộc, khẳng khiu, mà trở nên vui tươi, hoạt bát, chăm học, chăm làm.
Về sống cùng các chú bộ đội Đồn Biên phòng A Xan, Ân và Hữu được bố trí một phòng riêng, có góc học tập, được cấp đầy đủ đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan luôn gần gũi, động viên, yêu thương, chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, giúp hai em bắt nhịp với cuộc sống ở “ngôi nhà mới”. Hai “chiến sĩ nhí” học hành, sinh hoạt giờ giấc nghiêm túc giống hệt một người chiến sĩ thực thụ.
Ngoài giờ học văn hóa, Ân và Hữu còn được các cán bộ, chiến sĩ ở Đồn Biên phòng dạy học, bồi dưỡng kỹ năng sinh hoạt. Nhờ sự "tiếp sức" của những chiến sĩ quân hàm xanh, hiện tại, Ân đang học lớp 8 Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Trung học cơ sở Lý Tự Trọng; Hữu đang học lớp 5 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học A Xan, với thành tích học tập tiến bộ rõ rệt.
“Chúng tôi luôn xem Hữu và Ân như là con, cháu; toàn đơn vị, cán bộ nào có thời gian đều muốn tham gia dạy học cho hai cháu, thành tích của hai cháu ngày càng tiến bộ và có tư duy tốt… Cuộc sống của bà con đồng bào giáp biên còn nhiều vất vả, khó khăn, chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình” - Thượng úy Nguyễn Văn Trọng, Đội trưởng đội vận động quần chúng Đồn A Xan chia sẻ.
Thiếu Tá Nguyễn Văn Lợi - Chính trị viên, Đồn Biên phòng A Xan cho biết, Đồn Biên phòng đóng trong thung lũng A Xan. Đây là khu vực biên ải, nhiệm vụ của biên phòng không chỉ là tuần tra, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia mà còn phải xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, tạo nên sự gắn kết đặc biệt “quân với dân như cá với nước”.
|
|
Về sống cùng các chú Bộ đội Biên phòng, Ân và Hữu được yêu thương, chăm sóc tận tình, chu đáo. |
Đồn Biên phòng A Xan hiện đang nhận nuôi 2 cháu tại đơn vị và hỗ trợ cho 7 cháu khó khăn khác đang ở với gia đình. Từ chương trình đã triển khai và nhân rộng ra, bằng nguồn kinh phí được cấp và cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân đóng góp hỗ trợ hàng tháng 600.000 đồng/cháu.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, các đồn Biên phòng đang nhận nuôi 18 cháu theo chương trình “Con nuôi biên phòng”. Các cháu ăn ở ngay tại đồn, được tham gia hoạt động tập thể, vui chơi giải trí để bồi dưỡng kỹ năng sống, phát huy năng khiếu, sở trường. Đồn Biên phòng giữ mối liên hệ chặt chẽ với địa phương, gia đình và nhà trường nơi các cháu theo học, thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của từng cháu.
Chương trình “Nâng bước em tới trường” của các đơn vị Biên phòng Quảng Nam còn đỡ đầu 164 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó, có 6 học sinh nước bạn Lào. Mỗi em được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông.
“Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa, chính vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục phát động các đơn vị phối hợp với các địa phương, các nhà trường rà soát, xét chọn và tiếp tục nhận các trường hợp khó khăn để làm con nuôi Đồn Biên phòng. Qua đó, tạo điều kiện học tập, ăn ở sinh hoạt tốt hơn, bảo đảm hơn để các em có tương lai tươi sáng hơn. Thông qua chương trình, giữa lực lượng cấp ủy Đồn biên phòng và địa phương, nhân dân 2 tuyến biên giới trở nên gắn bó hơn, tình cảm hơn.” - Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đánh giá.
“Con nuôi Đồn Biên phòng” là một mô hình hiệu quả, mang tính nhân văn sâu sắc. Từ mô hình này mà các đồn biên phòng trên toàn dải đất Việt đã giúp đỡ, bồi dưỡng, là điểm tựa vững vàng để hàng trăm học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn nuôi hy vọng học tập, để mai này trở thành người có ích. Những câu chuyện về “Con nuôi Đồn Biên phòng” càng làm đậm thêm tình đoàn kết giữa Bộ đội Biên phòng và người dân vùng biên.