Không đầu hàng số phận, nhiều người khiếm thị bằng nghị lực của mình đang từng ngày nỗ lực vươn lên học nghề, có việc làm ổn định, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Người mù huyện Long Thành, cho biết hàng năm ngoài việc tổ chức một đợt đóng gói tăm tre bán cho học sinh các trường học trong huyện, Huyện hội còn duy trì mô hình dạy nghề đan thảm chùi chân cho hội viên người mù có nhu cầu. Theo ông Điệp, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhu cầu của người mù hiện nay là được làm việc để có thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống. Thế nhưng, hiện nay ngoài nghề xoa bóp, bán vé số, số ít cán bộ, hội viên sản xuất, kinh doanh có thu nhập ổn định thì hầu hết người mù đang gặp phải khó khăn trong công việc và thu nhập.

Mặc dù các con đã lớn và hàng tháng được nhận tiền trợ cấp nhưng bà Đỗ Thị Mai, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) muốn được làm việc để có thêm thu nhập phụ giúp các con, nhất là từ khi người con trai của bà bị tai nạn giao thông mất sức lao động. Năm 2012 bà học nghề đan thảm chùi chân do Hội Người mù huyện Long Thành tổ chức. Mỗi ngày bà đan được từ 1-2 tấm thảm vuông (với giá bán khoảng 20 ngàn đồng/tấm). Bà Mai cho biết, công sức bỏ ra không ít, giá thành thấp nhưng vẫn không có đầu ra ổn định mà chủ yếu bán cho những người quen biết nên mỗi tháng bà cố gắng đan cũng chỉ kiếm được khoảng 1 triệu đồng/tháng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, người mù rất cần sự chia sẻ của cộng đồng. Sự chia sẻ ấy không dừng lại ở việc thăm hỏi, tặng quà hay ủng hộ xây dựng nhà nhân ái cho người mù có hoàn cảnh khó khăn mà còn là sự ủng hộ của xã hội đối với những sản phẩm do bàn tay người mù làm ra nhằm gián tiếp giúp họ vượt qua mặc cảm khiếm khuyết để hòa nhập cộng đồng.
 

Theo Báo Đồng Nai
.