(BVPL) - Ngày tôi thi đỗ Đại học Y Hà Nội, bố cho 5.600 đồng. Bố đưa tôi ra đến đầu làng, còn băn khoăn bảo tôi hay quay về cày ruộng? Nhưng tôi vẫn nhất quyết ra đi, với hình ảnh cả nhà đói rách, hình ảnh ông y tá xã chuyên tiêm thuốc xít-tép vào mông.
Tôi bắt đầu bài viết bằng câu chuyện của chính tôi, một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), không nhận phong bì của người bệnh.
Tại sao tôi lại đi kể về mình như thế? Có phải vì xung quanh tôi ai cũng nhận phong bì? Có phải tất cả bác sĩ đều tìm cách để bệnh nhân đưa phong bì nên ngành y tế phải phát động phong trào nói không với phong bì?
Khoa tôi có 30 nhân viên, tôi làm việc ở đây 14 năm nên tôi khẳng định không một ai cầm phong bì. Bệnh viện tôi và các bệnh viện khác cũng không thiếu bác sĩ như tôi. Nhưng nếu tôi đặt vấn đề viết về họ, ai cũng từ chối, lí do đơn giản vì đó là việc làm đúng lương tâm của người thầy thuốc nên chẳng có gì đáng phải ầm ĩ.
Nhiều người sẽ cho rằng tôi đang PR cho bản thân. Nhưng tôi hy vọng số đông ủng hộ tôi, chia sẻ với tôi và với ngành y, từ đó thông cảm cho những người chiến sĩ áo trắng đang hi sinh thầm lặng để giành giật lại từng phút giây sống quí giá cho người bệnh.
Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bố già 75 tuổi, mẹ yếu vì bị tàn tật từ nhỏ, nhà lại đông con. Quanh năm chúng tôi phải ăn ngô, khoai, sắn độn rau, chỉ ngày Tết mới được ăn cơm. Xã tôi có một ông y tá hàm thụ bác sĩ, ông chữa bệnh cho cả vùng chủ yếu bằng phương pháp tiêm thuốc xít-tép vào mông, nhà ông thuộc hàng khá giả nhất.
|
Còn rất nhiều bác sĩ giữ được cái tâm trong sáng khi hành nghề y. Ảnh minh họa: VnExpress |
Ngày tôi thi đỗ Đại học Y Hà Nội, bố cho tôi 5.600 đồng. Bố đưa tôi ra đến đầu làng, còn băn khoăn bảo tôi hay quay về cày ruộng? Nhưng tôi vẫn nhất quyết ra đi, ra đi với hành trang là 5.600 đồng của bố, với hình ảnh cả nhà đói rách lam lũ tần tảo kiếm sống qua ngày, với hình ảnh ông y tá hàm thụ bác sĩ chuyên tiêm thuốc xít-tép vào mông. Tôi tự nhủ, tôi sẽ phải học cho thật tốt cách khám chữa bệnh để từ đó kiếm được thật nhiều tiền, chỉ có thật nhiều tiền thì mới mang lại được cho tôi một tương lai tốt đẹp, mới giúp gia đình tôi thoát khỏi cảnh túng quẫn cùng đường…
Xin được tiền vé ô tô hàng, xuống ga Long Biên tôi hỏi đường đi bộ về trường Đại học Y. Với 5.600 đồng bố cho, tôi chỉ đủ tiền ăn đúng 8 bữa cơm theo chế độ nửa bao cấp của trường. Chẳng biết làm gì kiếm sống, nhịn đói ngày thứ 5, đến ngày thứ 6 không thể nhịn nổi tôi đành lên gặp thầy Tôn Thất Bách xin tiền trợ cấp… Thầy Bách là hiệu trưởng, thầy thẳng thừng từ chối. Thầy bảo với tôi rằng, hôm nay nhà trường trợ cấp tiền ăn tiền học, 6 năm sau rất có thể tôi sẽ thành kẻ móc túi người bệnh. Thầy còn bảo xã hội đang có nhiều người bất hạnh, họ không có cơ hội bước chân vào ngưỡng cửa trường đại học. Thầy kể cho tôi nghe chuyện về người bố của thầy, về con đường dẫn đến sự nghiệp khoa học của giáo sư Tôn Thất Tùng…
Thầy Bách bố trí cho tôi đi dọn nhà vệ sinh, thầy trả công tôi 1.000 đồng. Tôi làm thêm việc cuốc cỏ, dọn thư viện, mỗi công việc làm một tuần. Sau đó tôi đi bán rau cải bắp, bán khoai tây, bán khoai lang, bán than tổ ong, làm biển quảng cáo, kẻ vẽ trang trí cho đám cưới, chụp ảnh, làm gia sư. Cứ thế, tôi tự kiếm đủ tiền ăn học, lại còn tiết kiệm được một ít gửi về giúp bố mẹ nuôi các em.
Sau buổi gặp thầy Bách, tôi bắt đầu nghi ngờ về cái mục đích phải học thật tốt cách khám chữa bệnh để kiếm được thật nhiều tiền, tôi lờ mờ nhận ra trong nghề y có một sứ mệnh gì đó cao cả hơn rất nhiều so với tiền bạc. Sứ mệnh ấy là gì? Để gọi được đúng tên của nó, tôi biết mình sẽ phải đi một chặng đường rất dài phía trước…
Bước sang năm học thứ 2, tôi đi thực tập ở Bệnh viện Việt Đức. Đêm trực đầu tiên, tôi choáng khi nhìn thấy phòng khám cấp cứu la liệt bệnh nhân nặng từ các tuyến chuyển về. Khoa hồi sức không còn giường nên nhiều bệnh nhân nặng phải nằm hồi sức ngay tại phòng khám. Bác sĩ phân công tôi bóp bóng cho một bệnh nhân chấn thương sọ não đã chết lâm sàng. Nạn nhân là một cô gái bằng tuổi tôi, quê ở Hải Dương. Bên cạnh là một bệnh nhân đã tử vong ngay lúc mới vào viện, đang làm thủ tục đưa xuống nhà đại thể.
Tôi vốn sợ bóng tối và sợ người chết, sợ nhìn thấy người bị tai nạn máu me đầm đìa. Ở bên cạnh một tử thi và một bệnh nhân đã chết não, tim tôi đập liên hồi kì trận như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Thật không may là bệnh viện mất điện, phòng mổ huy động đèn bão và đèn pin để tiếp tục mổ, nhân viên y tế được huy động bóp bóng cho bệnh nhân thở máy. Trong lúc khó khăn nhất, tự dưng tôi thấy bình tĩnh trở lại, tôi thấy mình may mắn hơn cô gái cùng tuổi, thấy mình không bất hạnh như nạn nhân vừa lìa khỏi cõi đời. Và tôi ao ước mình có phép lạ làm cho người chết sống lại còn cô gái thoát khỏi cơn hiểm nghèo. Tôi đã dồn toàn tâm toàn lực vào việc bóp bóng. Bốn tiếng đồng hồ trôi qua, tim cô gái bắt đầu rời rạc và ngừng đập. Bác sĩ tìm mọi cách cấp cứu cho cô gái, vừa tiêm thuốc trực tiếp vào tim vừa ép tim nhưng không có kết quả.
Trong lúc bác sĩ lập biên bản tử vong, tôi lấy tay vuốt mắt cho cô gái, từ khóe mắt của cô lăn ra hai giọt lệ. Tôi buồn bã vô cùng, cảm giác như chính người thân yêu nhất của tôi vừa mới ra đi. Bác sĩ nhắc nhở tôi không được phép ủy mị, bởi trong hoàn cảnh như thế thì bác sĩ phải là chỗ dựa tinh thần cho người nhà nạn nhân. Gia đình làm thủ tục xin đưa cô gái về quê trước khi trời sáng. Dù đang tột cùng đớn đau, mẹ cô gái vẫn không quên đưa tôi phong bì và một bao thuốc lá ba số cám ơn. Tôi nhận bao thuốc, gửi lại phong bì nhờ bà mua giúp tôi nén hương thắp cho cô gái xấu số, cầu cho linh hồn của cô sớm được siêu thoát về nơi cực lạc.
Đêm ấy lần đầu tiên tôi hút thuốc lá và hút hết nửa bao…
Sau đêm trực ấy tôi nhận ra rằng: bác sĩ khám chữa bệnh không phải vì trách nhiệm mà vì tính nhân văn; y học không có căn bệnh mà chỉ có người bệnh, quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân là mối quan hệ rất đặc biệt. Và tôi cũng đã gọi được đúng tên sứ mệnh của người thầy thuốc. Sứ mệnh đó là: Tính nhân văn.
Tốt nghiệp ra trường, tôi xin về công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn. Người đời nói với nhau rằng, để xin được việc thì phải nhờ vào sự quen biết và phải có phong bì. Tôi không rõ thực hư ra sao, cả hai điều kiện ấy tôi đều không có, tôi chỉ có “tính nhân văn” cùng những kiến thức đã học được trong 6 năm đại học.
Bệnh nhân đến với tôi đa số là người nghèo, tiền thuốc chả đủ nói gì đến phong bì phong bao. Thỉnh thoảng có người đưa phong bì cho tôi để muốn được ưu tiên, được chen ngang, hay được thăm khám cẩn thận hơn… dù là lí do gì thì tôi cũng đều từ chối.
Làm bác sĩ không nhận phong bì của người bệnh, chỉ trông vào lương cơ bản, thì cuộc sống sẽ ra sao? Bản thân tôi xác định tiết kiệm tối đa, cắt giảm các chi phí đến mức tối thiểu. Tôi không đi du lịch, không tham quan, không tham dự tiệc tùng chiêu đãi, từ chối đám cưới, trốn tránh mừng tân gia; bữa ăn phải tính toán chi li, ra chợ mua mớ rau muống cũng phải nâng lên đặt xuống rồi chia đôi 2 bữa, thịt cá chỉ ăn lấy chất chứ không dám xác định ăn lấy ngon. Vậy mà tiền lương vẫn không đủ chi cho một phần cuộc sống tưởng như không thể nào eo hẹp hơn.
Chỗ ở tôi thuê trọ cùng sinh viên, phòng có 7m² lợp ngói fibro-ximăng. Mùa nóng nắng xiên thẳng vào giữa phòng, mùa mưa dột tứ phía. Bước ra khỏi phòng tôi phải phủ ni lông lên giá sách đề phòng trời mưa. Ngay ngoài cửa sổ là bãi tha ma, thỉnh thoảng có rắn nước bò vào, có mèo hoang càm con đến làm tổ, có gà đồng chui vào kiếm ăn…
Ở cùng sinh viên thành ra tôi vẫn giữ được thói quen chăm học và đọc sách. Nghề y không chỉ là nghề lao động nặng nhọc, mà còn đòi hỏi phải học suốt đời. Thời gian bán hủy của kiến thức y khoa là 5 năm, nghĩa là sau 10 năm không học thì lượng kiến thức chỉ còn 25%, khi ấy chỉ lơ mơ biết tiêm thuốc xít-tép vào mông, chứ làm sao khám chữa bệnh cho tốt được. Vì thế mà ai cũng phải học, không có điều kiện thì tự đọc sách cập nhật kiến thức, có điều kiện thì học các chứng chỉ 3 tháng, học chuyên khoa định hướng 1 năm, 2 năm học chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II và thạc sĩ cũng học 2 năm, nghiên cứu sinh mất 4 năm. Ở nước ngoài đến giáo sư tiến sĩ mỗi năm vẫn phải học 40 giờ chuyên môn, ở ta qui định có giảm hơn một chút…
Đúng 7 năm trời làm bác sĩ tôi không thể mời khách đến nhà vì phòng trọ chẳng có chỗ ngồi. May mắn cũng đến với tôi, có học sinh cũ thời sinh viên tôi dạy gia sư, em giúp tôi làm thủ tục ngân hàng để tôi vay vốn mua nhà trả góp theo diện cán bộ nhà nước có hoàn cảnh khó khăn. Tôi mua được căn hộ chung cư Mỹ Đình 70m², rộng gấp 10 lần phòng trọ, lại đẹp và thoáng mát, từ đó có nhà đàng hoàng để ở.
Thời điểm khó khăn nhất là 5 năm đầu tiên mới ra trường, để có tiền trang trải cuộc sống, tôi phải đi dạy gia sư ôn thi đại học vào các buổi tối hay những ngày nghỉ. Tôi dạy các môn toán, hóa, sinh, văn, sử… học sinh yêu cầu gì tôi dạy đấy. Nhiều lúc mệt mỏi và chán nản, nhưng ban ngày nhìn thấy bệnh nhân mình chẩn đoán và điều trị đúng, buổi tối nhìn các em học sinh ngây thơ chăm chỉ học bài, tôi lại có thêm động lực để vượt qua khó khăn tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của một người thầy thuốc.
Tôi cũng có cách kiếm tiền khác là viết báo. Bài ít tiền nhất thì được 30 nghìn đồng, nhiều nhất được 150 nghìn, càng viết tào lao càng cao nhuận bút, viết chính luận vừa khó đăng vừa ít tiền vì không nhiều người đọc. Khổ nỗi tôi thích viết chính luận nên cũng khá vất vả với công việc viết lách.
Những bác sĩ không nhận phong bì như tôi thường có vợ hoặc chồng là hậu phương vững chắc, hoặc bản thân họ làm thêm nghề gia truyền, mở cửa hiệu kinh doanh rồi thuê người đứng bán hàng. Nghề gia truyền của tôi là đan lát các vật dụng bằng tre dùng trong gia đình, nghề này tôi xứng đáng là nghệ nhân, tiếc là không có cơ hội phát huy ở thành phố.
Tôi nhận ra rằng, cuộc sống và sự nghiệp của những bác sĩ không nhận phong bì như như tôi chẳng khác gì một tiều phu leo núi kiếm củi đốt lên niềm tin của sự sống. Tôi tự nhủ, khi leo dốc thì chỉ còn cách cố mà đi lên, ngừng nghỉ tất sẽ chán nản vì mệt mỏi hoặc tự chuốc lấy hiểm nguy, quay lại hay rẽ ngang sẽ bị rơi xuống vực thẳm…
Động lực giúp tôi leo dốc là niềm vui trong công việc. Nhưng hàng ngày đến bệnh viện, nhìn các cháu bé ở quê bị ốm đau, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tôi lại không sao vui được. Tôi muốn chia sẻ với người bệnh nhiều lắm nhưng khả năng của tôi thì hạn chế. Thỉnh thoảng gặp bệnh nhân nghèo quá, tôi cho họ một vài chục tiền khám với hi vọng giúp người bệnh có thêm niềm tin tiếp tục chống chọi với bệnh tật.
Trong bệnh viện có nhiều bác sĩ làm như tôi. Ví dụ như bác sĩ Thảo mới ra trường, hoàn cảnh kinh tế của chị cũng không dư giả gì nhưng chị thường xuyên cho bệnh nhân quần áo hay tiền mua thuốc. Bác sĩ Mỹ trong tua trực hồi sức thấy bệnh nhân nặng không có máu truyền, mặc dù chị rất mệt mỏi nhưng vẫn tình nguyện hiến máu cứu sống cháu bé, lại còn trích ra số tiền trực ít ỏi giúp người bệnh. Tôi còn biết nhiều bác sĩ đã cho bệnh nhân máu đến cả chục lần, không thiếu bác sĩ cho bệnh nhân tiền viện phí.
Sau 5 năm làm bác sĩ thì tôi không phải đi dạy gia sư kiếm sống, không phải viết báo kiếm tiền. Ấy là lúc ngành y tế thực hiện chủ trương xã hội hóa, bệnh viện là đơn vị sự nghiệp có thu nên trích một phần kinh phí bồi dưỡng cho cán bộ công nhân viên. Ngoại trừ bệnh nhân bảo hiểm y tế thu không đủ chi, còn bệnh nhân đóng tiền khám bệnh thì cả kíp làm việc sẽ được trích bồi dưỡng 6 - 7 nghìn đồng, mỗi ngày đi làm tôi có thêm thu nhập khoảng 180 nghìn từ chủ trương xã hội hóa.
Mấy năm nay ngoài thị trường bão giá, nhiều bác sĩ chua xót so sánh tiền bồi dưỡng khám bệnh không bằng tiền công đánh giày. Nếu không nhận phong bì của bệnh nhân, bác sĩ chỉ còn cách lao đi làm thêm phòng khám tư vào các buổi tối và những ngày nghỉ. Bản thân tôi thì vẫn đang cố gắng tiết kiệm chi tiêu, tôi cũng bắt đầu quay lại viết báo kiếm tiền nhưng hi vọng không phải đi dạy gia sư như ngày trước.
Trong thực tế, chiếc phong bì luôn có sức cám dỗ riêng của nó. Điều đáng nói là: bác sĩ chẳng mấy ai chỉ vì cuộc sống mà quên đi lẽ sống. Dù chưa có số liệu điều tra cụ thể, nhưng tôi biết đa số cán bộ nhân viên ngành y tế khảng khái từ chối phong bì. Song, với tính nhạy cảm của ngành y, chỉ cần thiểu số người không vượt qua được sự cám dỗ thì cũng đủ làm xã hội tổn thương, đủ làm cho ngành y tế nhuốm màu tiêu cực.
Nhớ lại buổi trực đầu tiên thời sinh viên tôi biết từ chối phong bì nhưng lại nhận bao thuốc lá. Tôi đã nghiện thuốc 7 năm trời, nói theo ngôn ngữ y khoa là bị lệ thuộc vào thuốc lá 7 năm. Chỉ đến khi có bệnh nhân bảo tôi là bác sĩ nói một đằng làm một nẻo, khuyên bệnh nhân bỏ thuốc lá trong khi nhiều bác sĩ nghiện nặng. Và tôi đã giật mình quyết định dứt bỏ.
Hippocrat trở thành biểu trưng của ngành y từ 2.500 năm nay bởi cái khuôn thước tôn trọng đạo đức nghề nghiệp như cứu cánh mà ông đã đóng vào nghề y. Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, danh y thế kỷ 18, đã coi nghề thuốc là một nghề nhân thuật. Trong Y huấn cách ngôn, ông viết: lo cái lo của mọi người, vui cái vui của mọi người, giúp người làm phận sự của mình mà không ham lợi kể công. Hippocrat và Hải thượng Lãn ông là những tượng đài y đức để tôi và các đồng nghiệp suốt đời noi theo.
Nếu so với đồng nghiệp: tôi chỉ là một bác sĩ bình thường, thậm chí là thua xa rất nhiều người; tôi chưa có học hàm học vị, chưa có đóng góp gì lớn lao. Mỗi buổi sáng đến giao ban bệnh viện, tôi rất vui khi thấy các bác sĩ trăn trở với những ca bệnh khó, lo lắng với diễn biến của bệnh nhân nặng, có bác sĩ mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên. Và tôi như nhìn thấy những tượng đài áo trắng thật sự, để tôi tin rằng đó đây có những chuyện này chuyện khác làm người bệnh mất niềm tin ở ngành y, nhưng đó chỉ là cá biệt chứ không phải là phổ biến.
Tôi lại nhớ, Y học cổ đại 5 nghìn năm trước, từ thời Thần Nông, trong các sách về y thuật đã từng khuyên những người thực hành nghề y “Phải biết giữ trái tim trong lồng ngực”.
BS Trần Văn Phúc
Theo VnExpress.net