Ông Dương Xuân Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết: Tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, sở hữu lợi thế về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Dương Xuân Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại buổi Toạ đàm.

Thái Nguyên nổi tiếng với các địa danh được du khách biết đến với những “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, ATK Chợ Đồn, Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái, Di tích lịch sử cấp quốc gia Nà Tu, nơi Bác Hồ đến thăm Đại đội thanh niên xung phong 312 năm 1951; cùng với đó là vẻ đẹp huyền thoại hồ Núi Cốc, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và đa dạng của Vườn Quốc gia Ba Bể với trung tâm là hồ Ba Bể… Mái đá Ngườm một trong những di chỉ khảo cổ học nổi tiếng của Việt Nam; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Khu Bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải được Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) đưa vào danh mục “Làng du lịch tốt nhất”...

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự cuộc Toạ đàm. (Ảnh: Trọng Tài)

Cùng với đó, Thái Nguyên được mệnh danh vùng đất là “Đệ nhất danh Trà" với những sản phẩm trà thơm ngon nức tiếng và thương hiệu Trà đã vang danh cả trong và ngoài nước. Tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng phát huy giá trị văn hóa - kinh tế của cây chè gắn với phát triển du lịch, tập trung xây dựng 4 dòng sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà, gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Và, các điểm đến du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với những đồi chè hay những hồ nước tuyệt đẹp như hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể.

leftcenterrightdel
 Đoàn Chủ tịch cuộc Toạ đàm. (Ảnh: Trọng Tài)

Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên trăn trở: Chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật: Vẻ đẹp thiên nhiên thôi là chưa đủ. Du lịch hôm nay không chỉ cần phong cảnh mà cần những trải nghiệm chạm đến cảm xúc, một hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ và trên hết là những câu chuyện khiến du khách muốn quay trở lại.

Theo ông Hiệp: Tái định vị thương hiệu du lịch của tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập, với biểu tượng "Trà và Hồ" vừa thơ mộng, vừa mộc mạc, dễ nhớ và giàu cảm hứng. Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Bắc Kạn đã chính thức sáp nhập vào tỉnh Thái Nguyên, vì vậy không còn tên gọi hành chính riêng là “Bắc Kạn”. Việc sử dụng biểu tượng “Trà và Hồ” sẽ đại diện cho sự kết hợp hài hòa giữa vùng chè Thái Nguyên và hồ Ba Bể, một hình ảnh mới không chỉ đậm chất thiên nhiên, mà còn gợi mở những chiều sâu văn hóa bản địa. Biểu tượng này cần được lồng ghép xuyên suốt trong các sản phẩm truyền thông, các hoạt động quảng bá, tạo dựng nhận diện rõ nét và nhất quán cho du lịch Thái Nguyên thời kỳ mới.

Ông Hà Văn Tiến, nguyên Chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Kạn đồng quan điểm, cho rằng: Tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên (mới) là rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, kết quả đón khách du lịch năm 2024 của cả hai tỉnh cộng lại còn khá khiêm tốn, khoảng 4,5 triệu lượt khách (Bắc Kạn 1 triệu lượt, Thái Nguyên 3,5 triệu lượt), nếu so sánh với Ninh Bình (8,7 triệu lượt). Vậy “điểm nghẽn” ở đây là gì? Phải chăng chúng ta chưa quyết tâm, quyết liệt? chưa có quy hoạch rõ ràng? chưa có hoặc rất ít những chính sách để phát triển các loại hình du lịch? chưa tạo được sự quan tâm của các nhà đầu tư? chưa kích thích được người dân tham gia phát triển du lịch? hoạt động của Hiệp hội du lịch đã chuyên nghiệp, gắn kết, giữ vai trò điều phối chưa?…

Theo bà Trần Nữ Ngọc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên, trước đây Thái Nguyên và Bắc Kạn đã có vị trí liền kề, kết nối thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên mới sở hữu hệ sinh thái du lịch rất đa dạng và có thể bổ trợ lẫn nhau để tạo thành chuỗi sản phẩm hấp dẫn. Thái Nguyên làm điểm đón, điểm dừng còn Bắc Kạn cũ là đích đến với thiên nhiên, cộng đồng.

Theo bà Trần Nữ Ngọc Anh: "Sự kết nối giữa “du lịch sinh thái cộng đồng” của Bắc Kạn và “du lịch văn hóa - lịch sử - làng nghề” của Thái Nguyên sẽ tạo ra chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh cho du khách trong nước và quốc tế. Như vậy, sau khi sáp nhập, phát triển sản phẩm du lịch liên kết có thể tạo ra tuyến tour vùng du lịch hấp dẫn hơn thay vì khai thác riêng lẻ, rời rạc...

TS. Lê Quang Đăng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Thể thao và Du lịch Việt Nam) nhìn nhận: Một trong những khó khăn, hạn chế lớn nhất của Thái Nguyên là tuy sở hữu giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, hấp dẫn nhưng lại chưa phát huy hiệu quả để tạo ra sản phẩm du lịch có khả năng mang lại giá trị và giá trị gia tăng cao. Thêm vào đó, sản phẩm du lịch của Thái Nguyên có sự trùng lắp với sản phẩm du lịch của các tỉnh lân cận. Điều này tạo ra thách thức về phát triển sản phẩm du lịch mới, sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu và sức cạnh tranh.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Quang Đăng, Viện Văn hoá Nghệ thuật Thể thao và Du lịch Việt Nam tham luận tại buổi Toạ đàm. (Ảnh: Trọng Tài)

TS. Lê Quang Đăng lưu ý, việc sáp nhập có thể là sự cộng gộp về mặt không gian và tài nguyên, nhưng không nên là sự cộng gộp về mặt sản phẩm. Với bối cảnh mới, thời cơ vận hội mới, không gian phát triển mới, Thái Nguyên cần định hướng lại hệ thống sản phẩm, tạo thêm sản phẩm mới và làm mới sản phẩm đang có.

leftcenterrightdel
 Góc không gian phẩm trà đặc sản Thái Nguyên. (Ảnh: Trọng Tài)
leftcenterrightdel
 Các đại biểu thưởng thức trà đặc sản Thái Nguyên. (Ảnh: Trọng Tài)

Các đại biểu đồng thuận cho rằng: Chủ động và tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng các công trình hạ tầng phù hợp phục vụ du lịch nhằm khai thác tốt cảnh quan thiên nhiên của tài nguyên rừng theo nguyên tắc: “Không làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên; không gây tác động xấu đến tài nguyên động thực vật trên cạn và dưới nước; không làm giảm tính đa dạng sinh học; không gây ô nhiễm môi trường” đã và đang hướng Thái Nguyên lên một vị thế mới trong bối cảnh ngành Du lịch cả nước đang bước vào kỷ nguyên mới và hướng tới phát triển bền vững.

Trọng Tài