Xác định xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thời gian qua huyện Đại Từ đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, góp phần vào thành quả chung của công tác xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được hiệu quả, huyện Đại Từ đã tận dụng hợp lý, phân bổ khoa học các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và tỉnh Thái Nguyên. Các nguồn vốn được sử dụng hiệu quả vào các công trình cụ thể trên địa bàn toàn huyện. Huyện ủy, chính quyền và nhân dân toàn huyện đã tích cực triển khai các hoạt động với tinh thần quyết tâm cao, phấn đấu để về đích đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2023.

leftcenterrightdel
 Ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ trao đổi với phóng viên.

Tính đến nay, huyện Đại Từ có 27/27 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 100%), trong đó có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh (Tỷ lệ số thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh 100%); huyện đạt 8/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, tiêu chí còn lại đều đã tiệm cận chuẩn và có thể hoàn thành trong thời gian ngắn.

Nhằm quyết tâm hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới để về đích vào cuối năm 2023, huyện Đại Từ đã phát động đợt thi đua cao điểm “Đại Từ quyết tâm, chung sức xây dựng huyện nông thôn mới”, chương trình phát động được triển khai đồng loạt tại 29 xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện. Theo đó, huyện đã thành lập các tổ công tác thực hiện ngày ra quân hàng tháng xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh tại các xã, thị trấn. Việc thành lập tổ công tác xuống giúp đỡ cơ sở đã nhận được sự đồng tình cao từ phía nhân dân.

leftcenterrightdel
 Các xã trên địa bàn huyện ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thực hiện đợt thi đua cao điểm "Đại Từ quyết tâm, chung sức xây dựng huyện nông thôn mới".

Sau các đợt ra quân thực hiện đợt thi đua cao điểm “Đại Từ quyết tâm, chung sức xây dựng huyện nông thôn mới”, toàn huyện đã huy động được hơn 60.000 người tham gia, trong đó có thành viên các tổ công tác của huyện, cán bộ công chức cấp xã, nhân dân tại các xã, thị trấn; trồng được trên 18.000 cây xanh, chăm sóc hơn 30 km đường hoa, dọn vệ sinh trên 900 km, thu gom hơn 200 m³ rác thải, vệ sinh khơi thông hơn 90 km mương, rãnh thoát nước, thực hiện đắp trên 14 km lề đường, giải phóng hơn 14 km hành lang giao thông,...

leftcenterrightdel
 Phong trào “mở rộng đường xóm 6m” đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp, thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn toàn huyện Đại Từ.

Ngoài ra, với quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, thu hút các nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân để đầu tư mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2023, ngày 10/5/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Từ đã có Nghị quyết số 07 về việc lãnh đạo thực hiện phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025. Đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã ban hành Nghị quyết, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch "mở rộng đường xóm 6m" đến các xóm, tổ dân phố. 100% các xóm, tổ dân phố tại các xã, thị trấn đã thành lập Ban Vận động thực hiện phong trào "mở rộng đường xóm 6m". Kết quả, tính đến hết tháng 8/2023, trên địa bàn huyện Đại Từ đã giải phóng mặt bằng được 93,31km, thi công nền đường được 59,02km, thi công mặt đường được 18,95km đường >6m, diện tích đất nhân dân đã hiến để mở rộng đường 6m trên 13ha, ước giá trị công trình, tài sản trên đất dân đã hiến gần 39 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Đường được mở rộng không chỉ giúp cho việc đi lại dễ dàng mà còn tạo điều kiện cho nhân dân có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện phong trào “Mở rộng đường xóm 6m” trên địa bàn huyện còn gặp nhiều vướng mắc, do một số người dân chưa hiểu được ý nghĩa, lợi ích của việc mở rộng đường, bởi khi tuyến đường mới hoàn thành không chỉ giúp cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa dễ dàng mà còn tạo điều kiện cho bà con có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Để giúp nhân dân hiểu hơn về tầm quan trọng trong việc hiến đất mở rộng đường, huyện Đại Từ đã vận dụng linh hoạt, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động. Trong đó, UBND huyện thành lập 29 tổ công tác vào ngày thứ bảy của tuần đầu tháng sẽ xuống cùng với nhân dân ở các xã, thị trấn tham gia xây dựng nông thôn mới qua đó tạo động lực để nhân dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện mở rộng đường giao thông.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua và những giải pháp đề ra trong năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và người dân huyện Đại Từ quyết tâm chung sức, đồng lòng, cùng niềm tin để thực hiện đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2023, xây dựng quê hương Đại Từ ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Trọng Tài - Hoàng Anh