(BVPL) - Mỗi lần bố mẹ đẻ tôi xuống chơi, thái độ bố mẹ chồng tôi khiến tôi càng thương hai song thân của mình hơn. Sự phân biệt đối xử ấy được thể hiện mạnh mẽ hơn cả là từ mẹ chồng tôi.
Thực sự về gia cảnh 2 gia đình thì không ai hơn ai cả, song thân của tôi là cán bộ về hưu, về chăn nuôi trồng trọt để thêm thu nhập nuôi con cho chị gái, cho anh trai tôi. Tạo điều kiện cho anh chị tôi làm ăn, góp vốn sau này chứ bố mẹ không giữ cho riêng mình. Bố mẹ tôi có đủ tình thương cho con cháu và đủ tiền bạc để sống thoải mái. Còn gia đình chồng tôi thì khác, mẹ chồng không có lương, ở nhà sản xuất. Bố chồng có lương, đủ cho gia đình chi tiêu trong một tháng. Chỉ khác là bên ngoại tôi ở miền núi, bên nội ở miền xuôi, văn hoá, tập tục khác nhau. Người miền núi thì chất phác, thật thà, tình cảm. Còn người miền xuôi khôn khéo hơn, chải chuốt hơn. Sự phân biệt đối xử giàu nghèo đã làm hai bên thông gia không tình cảm như những thông gia khác. Tôi là người biết rõ nhất. Điển hình là mẹ chồng tôi hay gọi điện hỏi thăm chị dâu cũng như gia đình chị dâu tôi (Vợ của anh trai chồng tôi). Dù ốm đau hay lễ tết gì bà đều gọi điện. Tôi cũng phải công nhận nhà chị dâu chồng tôi rất giàu, công việc thu nhập cao. Trong khi đó, đáng ra khi đã gọi cho thông gia này thì gọi luôn thông gia kia nhưng mẹ chồng tôi không bao giờ tự động mà gọi cho gia đình tôi.
Ban đầu, khi tôi mới về nhà chồng, bố mẹ đẻ tôi sợ tôi vụng về nên trong một năm đầu hay gọi điện hỏi thăm ông bà nội. Hay xuống thăm ông bà và mang những món quà quê biếu thông gia. Nhưng khi chứng kiến sự phân biệt đối xử của bên nội, tôi tuyệt đối không cho bố mẹ tôi gọi điện cũng như xuống chơi. Không phải tôi không muốn gặp bố mẹ tôi mà vì tôi thương ông bà nhiều lắm. Nhiều lúc bố mẹ tôi nằm viện, trước mặt ông bà, tôi cố tình gọi điện hỏi thăm tình hình nhưng thái độ của gia đình bên chồng vẫn như không có chuyện gì xảy ra. Bố mẹ tôi nhiều lúc muốn tới thăm con cháu nhưng thấy ông bà như thế nên cũng ngại. Và thật lòng tôi không mong bố mẹ mình bị người ta dè bỉu, khinh thường.
Tôi buồn lắm, thời đại văn minh mà sao ông bà suy nghĩ cổ điển như vậy. Sau này, con gái ông bà cũng lấy chồng, nếu gia đình họ cũng chê gia đình mình thì phải làm sao?
Hệ luỵ của việc phân biệt giàu nghèo đó là tình cảm của nhà chồng với tôi. Khi chưa tới nhà tôi, họ quý tôi, họ dễ dãi với tôi. Nhưng khi tới nhà tôi, thấy sáu gian nhà ngói xi măng, họ thay đổi. Chân ướt chân ráo về nhà chồng, tôi bị mẹ chồng xóc xiểm: May N lấy chồng mới có quần áo mặc nhỉ? Nhà họ con dâu đóng tiền ăn mỗi tháng một triệu rưỡi, dâu nhà này đóng có mỗi triệu tư…Lòng tôi nặng trĩu.
Chồng tôi đi làm ăn xa nên mỗi ngày ở nhà chồng với tôi là một nỗi buồn đăng đẳng. Tôi làm gì cũng bị xỉa xói, bạn của tôi là bốn bức tường lạnh lẽo…Đã có lúc tôi nghĩ dại là buông xuôi hạnh phúc. Nhưng tôi đã kịp nắm lấy…
Tôi cố gắng kéo hai gia đình lại gần nhau nhưng càng kéo thì sự phân biệt giàu nghèo càng lộ rõ. Tôi không biết phải làm sao cho mẹ chồng tôi thay đổi suy nghĩ: Sống trên đời, không gì quý giá bằng tình cảm, đừng để đồng tiền làm mờ mắt nhân sinh. Không có phép nhiệm mầu nào đưa con người xích lại gần nhau bằng cái tâm và tình người dào dạt.
Theo Vietnamnet