|
|
Ông Lương Văn Cầu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đọc diễn văn Lễ tưởng niệm |
Tham dự Lễ tưởng niệm có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, lãnh đạo tỉnh Hải Dương và lãnh đạo nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.
Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nằm trong khuôn khổ Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2018, với các hoạt động như: Lễ Khai ấn và ban ấn cho nhân dân; Lễ rước bộ; Lễ giỗ Đức Thánh Trần; Lễ tưởng niệm ngày mất của anh hung dân tộc, Danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi; Lễ cầu an và Hội hoa đăng; các hoạt động đua thuyền truyền thống, diễn xướng hầu Thánh, trình diễn nghệ thuật múa rối nước và các trò chơi dân gian…
Tại lễ tưởng niệm, ông Lương Văn Cầu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã đọc diễn văn tưởng niệm ôn lại thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sinh khoảng năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần. Từ nhỏ, ông đã nức tiếng là người có dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo, quân dân Đại Việt đã ba lần đánh bại hàng vạn quân Nguyên Mông xâm lược hùng mạnh. Năm 1258, quân Mông Cổ xâm lược nước ta, ông đã dẫn dắt binh lính đập tan cuộc tấn công của quân Mông Cổ lần thứ nhất. Năm 1285, quân Nguyên Mông ào ạt tấn công vào phía Bắc và vượt biển đánh từ vùng Thanh Hóa - Nghệ An trở ra, một lần nữa, Trần Quốc Tuấn đã thể hiện tài năng quân sự xuất chúng khi thi hành kế “thanh dã” vườn không nhà trống, rút quân bảo toàn lực lượng trước khi tiến hành tổng phản công, giành thắng lợi. Ở lần thứ ba quân Nguyên Mông xâm lược bờ cõi nước ta, chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối tháng 12/1287 đến đầu tháng 4/1288, Hưng Đạo Vương đã dẫn dắt quân đội nhà Trần đập tan ý đồ bành trướng, xâm lược của quân giặc.
Không chỉ biết đến với vai trò là một nhà quân sự thiên tài, Trần Quốc Tuấn còn là một cây bút văn chương sắc sảo. Ông đã soạn hai bộ sách để dạy các tướng lĩnh đương thời là “Binh thư yếu lược” và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”. Trong đó, nổi tiếng với bài “Hịch tướng sĩ” đã khích lệ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, làm lay động hàng ngàn tướng sĩ. Dưới trướng của ông, nhiều bậc hiền tài đã hết lòng phò vua giúp nước như Trương Hán Siêu, Trần Thì Kiến, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Yết Kiêu, Dã Tượng…
Tất cả đã tạo thành một đội quân hùng mạnh “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục” làm nên những chiến thắng vẻ vang trong 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông xâm lược, giữ vững nền độc lập thái bình cho đất nước.
Hơn 7 thế kỷ đã qua nhưng tư tưởng giữ nước “lấy dân làm gốc” cùng những tri thức quân sự, cách dùng người và lòng trung quân ái quốc của Hưng Đạo Đại Vương vẫn là bài học sâu sắc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, ông là một Thượng đẳng phúc thần, là đức Thánh Trần. Sau diễn văn tưởng niệm và văn tế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng nhân dân đã thành kính dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
|
|
Nghi lễ đọc văn tế Đức Thánh Trần |
Sau lễ tưởng niệm đã diễn ra nghi Lễ Khai ấn và ban ấn đền Kiếp Bạc cho nhân dân và du khách thập phương.
Ấn đền Kiếp Bạc gồm 4 phù ấn là: “Trần Triều Hưng Đạo Vương chi ấn”, đây là ấn quan trọng nhất thể hiện quyền uy và sức mạnh mà Đức Thánh Trần ban cho. Ấn thứ 2 là “Quốc Pháp Đại Vương” với ý nghĩa cầu Đức Thánh ban cho sức mạnh, uy quyền bắt mọi thế lực phải tuân theo những phép tắc, pháp luật. Ấn thứ 3 là “Vạn dược linh phù” với ý nghĩa cầu cho mọi người sinh sôi, phát triển, cầu tránh tà ma, bệnh tật. Ấn thứ 4 là “Phi thiên thần kiếm linh phù” với ý nghĩa cầu bình an, sát quỷ, trừ tà. Thông thường, khách thập phương xin tấm lụa vàng có in cả 4 phù ấn của đền về treo tại nhà hoặc mang theo bên minh, cầu được trấn trạch kỳ an, Phúc, Lộc, Thọ và vạn sự tốt lành.
Sau nghi lễ, hơn 1 vạn ấn đã được Ban tổ chức ban cho nhân dân và du khách thập phương.
Bình Minh