Tăng trưởng tiền lương toàn cầu ở mức thấp nhất kể từ năm 2008
Cập nhật lúc 10:17, Thứ ba, 27/11/2018 (GMT+7)
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 26/11, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết trong năm 2017, mức tăng trưởng tiền lương toàn cầu ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.
|
|
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Jammu, Ấn Độ ngày 19/5/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bối cảnh tăng trưởng tiền lương toàn cầu giảm xuống còn 1,8% trong năm 2017 từ mức 2,4% trong năm 2016, các nước đang phát triển vẫn được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng tiền lương cao hơn so với các nước phát triển, tuy nhiên tiền lương ở các nước đang phát triển vẫn còn quá thấp. Kết quả được ILO công bố dựa trên dữ liệu từ 136 quốc gia. Trong 20 năm qua, mức lương thực tế trung bình đã tăng gần 3 lần ở các nước đang phát triển và mới nổi thuộc nhóm G20, trong khi cùng nhóm G20 nhưng các nước phát triển tốc độ tăng trưởng tiền lương chỉ đạt 9%.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết mặc dù tăng trưởng toàn cầu đã được phục hồi nhưng mức tăng trưởng tiền lương ở các nước phát triển ở mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua. Ông nhấn mạnh “thật khó hiểu là trong khi các nền kinh tế phát triển phục hồi tăng trưởng GDP và thất nghiệp giảm thì tốc độ tăng trưởng tiền lượng lại chậm. Tiền lương vẫn tăng chậm hơn rất nhiều so với năng suất...”.
Lần đầu tiên, báo cáo của ILO cũng đề cập đến khoảng cách trả lương theo giới trên phạm vi toàn cầu, với việc sử dụng dữ liệu từ 70 nước và khoảng 80% nhân viên trên phạm vi toàn thế giới. Báo cáo phát hiện ra rằng nam giới vẫn tiếp tục được trả lương cao hơn nữ giới khoảng 20%. Theo ông Ryder, điều này đi ngược lại với nguyên tắc cơ bản trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau và đây cũng là mục tiêu mà cộng đồng quốc tế đã đồng thuận nhằm đạt được vào năm 2030, như là một phần của Chương trình Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
Theo Hữu Thanh (TTXVN)