Chú trọng công tác đào tạo “học để làm”
Một trong những bất cập lớn nhất hiện nay là sự lệch pha giữa đào tạo và nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp, đặc biệt trong khu công nghệ cao, đang thiếu nghiêm trọng lao động có tay nghề, trong khi hàng nghìn cử nhân, kỹ sư lại thất nghiệp hoặc làm việc trái ngành. Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống giáo dục vẫn nặng lý thuyết, thiếu kỹ năng thực tiễn, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng.
Sinh viên ra trường thường yếu kỹ năng mềm, ngoại ngữ hạn chế, thiếu tư duy phản biện và gặp khó khăn khi làm việc thực tế. Tâm lý xã hội vẫn coi trọng bằng đại học hơn là học nghề, khiến giáo dục nghề nghiệp dù có cải thiện vẫn chưa được xem là lựa chọn chính đáng. Điều này làm kéo dài tình trạng dư thừa lao động có bằng cấp nhưng thiếu năng lực thực hành.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc tại nhiều doanh nghiệp và cơ quan nhà nước vẫn chưa đủ sức hút. Chế độ đãi ngộ hạn chế, ít cơ hội thăng tiến và thiếu cơ chế đánh giá minh bạch khiến không ít người trẻ tài năng chọn làm việc tại nước ngoài hoặc trong các doanh nghiệp quốc tế, thay vì gắn bó lâu dài trong nước.
Trước thực tế này, Việt Nam cần một chiến lược đào tạo toàn diện, dài hạn. Đầu tư cho giáo dục – đặc biệt là giáo dục nghề, đào tạo lại và thường xuyên cần được coi là ưu tiên hàng đầu. Việc xây dựng các trung tâm đào tạo hiện đại, hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để cập nhật công nghệ và xu hướng mới là rất cần thiết.
Cải cách quan trọng nhất là thay đổi phương pháp giảng dạy, chú trọng công tác đào tạo “học để làm”. Người học cần được trang bị kỹ năng số, tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và giao tiếp hiệu quả. Việc học tập suốt đời qua các mô hình học trực tuyến, khóa ngắn hạn, kết hợp lý thuyết – thực hành – trải nghiệm thực tế cũng nên được khuyến khích.
Bên cạnh đó, để giữ chân nhân tài, cần cải thiện môi trường làm việc, có chính sách đãi ngộ công bằng và cơ hội phát triển rõ ràng. Người lao động giỏi không chỉ cần thu nhập tốt, mà còn cần được ghi nhận và có cơ hội thể hiện năng lực.
    |
 |
Nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Ảnh minh họa. |
Cơ hội từ dân số vàng và động lực từ đầu tư quốc tế
Theo số liệu thống kê quý I/2025, lực lượng lao động Việt Nam đạt 52,9 triệu người, tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 28,8%, cho thấy xu hướng tích cực trong việc nâng cao trình độ kỹ năng. Cơ cấu lao động đang chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,3 triệu đồng/tháng; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tiếp tục giảm.
Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức. Tỷ lệ lao động có trình độ cao còn thấp so với các nước trong khu vực. Lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, cho thấy tính bền vững của thị trường lao động còn hạn chế. Nhiều người có bằng cấp nhưng vẫn không tìm được công việc phù hợp, phản ánh sự mất cân đối giữa cung và cầu.
Đặc biệt, việc Mỹ áp thuế lên tới 46% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại, máy tính, dệt may, giày dép, đồ gỗ… gây áp lực lớn. Các ngành này chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm 2024, nên những biến động này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của người lao động trong các lĩnh vực liên quan.
Tại buổi họp báo về công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2025, bà Phí Hương Nga – Trưởng Ban Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Bộ Tài chính) chia sẻ, vốn FDI thực hiện quý I/2025 đạt 4,96 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ – mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 81,7% tổng vốn FDI thực hiện, cho thấy các nhà đầu tư đang quan tâm mạnh đến lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.
Để tiếp tục thu hút nguồn FDI chất lượng, bà Nga khuyến nghị cần ổn định chính sách vĩ mô, cải cách thủ tục hành chính, hải quan, đẩy mạnh cơ chế một cửa và đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp giá trị cao.
Trước đó, tại Hội nghị Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao được tổ chức vào tháng 2/2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để tạo ra những chuyển biến, kết quả trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cần một nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, có kỹ năng hiện đại, tư duy sáng tạo và khả năng làm việc cường độ cao. Đây sẽ là yếu tố then chốt, sống còn, quyết định sự thành công của cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc, thực hiện mục tiêu đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đề xuất cần thực hiện ngay, trong đó phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trước mắt tập trung vào giáo dục đại học, đào tạo ngắn hạn; thí điểm xây dựng và triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đại học theo gói cam kết đầu ra (KPI) với chính sách học bổng toàn phần cho học viên sau đại học và yêu cầu phải có doanh nghiệp đồng hành.
Nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là nền tảng, mà còn là động lực then chốt để Việt Nam đạt tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm trong thời gian tới. Trong bối cảnh dân số vàng và chuyển đổi số mạnh mẽ, đầu tư vào con người là cách hiệu quả nhất để đưa đất nước bứt phá, giàu mạnh và vững bước trong kỷ nguyên mới.