Đồng loạt lên tiếng

12 người đã đứng đơn tập thể, do ông Trần Xuân Phong ở xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh đứng đầu, cho biết: Trước đây, những người này làm công tác quản lý điện các xã và Công ty cổ phần điện lực Kỳ Anh, được đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo đúng quy định. Tuy nhiên, 6 năm nay, kể từ khi sáp nhập vào Điện lực Kỳ Anh để làm việc, thì không được tham gia đóng bảo hiểm y tế, dẫu công việc thường xuyên tiếp xúc với nguy hiểm.

Ngoài việc không được đóng bảo hiểm, những người lao động dịch vụ như ông Phong còn bị cắt giảm tiền công. Theo đó, từ năm 2013 trở về trước, những người này được trả công quản lý tính trên đầu công tơ điện: 5.200 đồng/1 công tơ điện đối với xã thuộc khu vực đồng bằng; 8.900 đồng/1 công tơ điện đối với xã miền núi. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, số tiền này đã bị cắt giảm tương ứng mỗi công tơ từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng.


 Đơn thư của người lao động dịch vụ gửi cơ quan chức năng.

Đáng chú ý, ngay cả chế độ chính sách được hưởng hàng tháng như điện thoại, xăng xe… của người lao động dịch vụ, cũng bị cắt từ năm 2015 đến nay. Cụ thể: mỗi tháng những người này được phụ cấp 100.000 đồng tiền điện thoại, 100.000 đồng đến 200.000 đồng tiền xăng xe (tùy khu vực), nhưng từ năm 2015 đến nay, số tiền này nhiều lao động dịch vụ ở Điện lực Kỳ Anh không được nhận.

Lách luật và cắt giảm tiền chế độ

Trao đổi với PV, ông Trần Xuân Phong cho biết, đã 6 năm nay, mọi chế độ chính sách như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể ông và nhiều người không có, dẫu công việc thường xuyên tiếp xúc với nguy hiểm của ngành điện, tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

“Chúng tôi chỉ cần bảo hiểm y tế để yên tâm làm việc và đề phòng bất trắc khi tai nạn xảy ra, nhưng họ (chỉ điện lực- PV) không cho, dẫu rằng chúng tôi được ký hợp đồng 2, 3 năm một lần” – ông Phong nói.

Theo ông Phong, lý do phía điện lực đưa ra để không đóng bảo hiểm y tế cho những lao động dịch vụ như ông là phía điện lực chỉ ký hợp đồng làm công dịch vụ, mà trong quy trình kinh doanh điện năng của tập đoàn điện lực Việt Nam thì mọi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế không được đóng.


 Lao động trong ngành điện luôn đối diện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn nguy hiểm (ảnh Điện lực Kỳ Anh) 

Nhận định của ông Phong, cũng là nhận định của nhiều người là việc điện lực chỉ ký hợp đồng dịch vụ chứ không phải hợp đồng lao động là nhằm lách luật, tránh phải đóng bảo hiểm theo quy định của Bộ luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thiệt thòi rất lớn đến quyền lợi của người làm công tác quản lý điện ở các xã Kỳ Anh.

“Đối với tiền xăng xe, điện thoại, bị cắt từ 2015 đến nay. Mỗi tháng như vậy mỗi người cũng thiệt thòi từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng tùy từng xã. Nhưng tại cuộc họp ngày 1/4, sau khi chúng tôi nêu ý kiến, họ cũng hứa trả lại cho chúng tôi rồi. Số tiền này cộng lại cũng không phải là ít” – ông Phong cho biết.

Lãnh đạo điện lực nói gì?

Để làm rõ những nội dung trên, PV đã liên hệ với ông Trần Xuân Thông – Giám đốc điện lực Kỳ Anh để làm việc. Qua điện thoại, ông Thông cũng xác nhận ngày 1/4 giữa Điện lực Kỳ Anh và người lao động dịch vụ có diễn ra cuộc họp giải quyết những kiến nghị của người lao động dịch vụ. Cuộc họp này có sự tham dự của ông Đinh Quang Chung – Phó Giám đốc điện lực Hà Tĩnh, cùng với các phòng ban như: phòng kinh doanh, tổ chức, pháp chế, giám sát mua bán điện…

Theo ông Thông, tại cuộc họp này phía công ty điện lực đã ghi nhận các ý kiến như trên của người lao động dịch vụ, phía công ty đã kiểm tra và đưa ra kết luận.


 Trụ sở Điện lực Kỳ Anh, nơi hàng chục người lao động dịch vụ bị cắt giảm tiền chế độ chính sách một cách bất thường (ảnh Điện lực Kỳ Anh) 

Không nói rõ về các kết luận, nhưng ông Thông cũng cho biết việc cắt tiền chế độ chính sách như điện thoại, xăng xe của người lao động dịch vụ là do vướng mắc, thiếu văn bản hướng dẫn.

Về bản chất hợp đồng dịch vụ đã ký với người lao động, ông Thông cũng đưa ra nhận định: “Nói dịch vụ nhưng thực chất là một đối tác, cũng là người thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, là người lao động của cơ quan”.

Một lãnh đạo Điện lực Hà Tĩnh cũng cho biết đã nắm được sự việc, phía Điện lực Hà Tĩnh đã về địa phương kiểm tra, họp ghi nhận ý kiến và đưa ra phương án xử lý.

Được biết, từ năm 2019 trở về trước, Điện lực Kỳ Anh  ký hợp đồng dịch vụ trung bình mỗi xã 2 đến 3 người. Hiện hàng chục người đang chờ đợi để được hưởng chế độ, chính sách đã bị cắt giảm một cách bất thường trong những năm qua, nhằm đảm bảo quyền lợi theo luật định.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

 

 

 

 

Bùi Tiến