Chiều ngày 17/5, tại Hải Dương, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị truyền thông và việc làm đối với các cơ quan báo chí.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH) 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Hội nghị diễn ra trong thời điểm hết sức có ý nghĩa khi Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thông qua 2 Đề án: Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, liên quan trực tiếp đến lĩnh vực chính sách việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp.

Trong những năm qua, lĩnh vực việc làm, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó công tác truyền thông đã được đẩy mạnh, có vai trò nổi bật trong phương thức, nội dung tuyên truyền đưa lại thành tựu quan trọng đối với Bộ không chỉ trong lĩnh vực này mà còn đối với cả các lĩnh vực khác như: trẻ em, bình đằng giới, giáo dục nghề nghiệp…

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, người dân, người lao động ở một số nơi chưa hiểu được lợi ích lâu dài của BHTN, vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm, chính sách việc làm với đối tượng đặc thù cũng như bảo đảm quyền việc làm để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cần tiếp tục thường xuyên phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người lao động, tạo sự quan tâm, đồng thuận của xã hội trong vấn đề này, đưa chính sách nhanh đi vào cuộc sống.

Tại Hội nghị, các ý kiến khẳng định công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò quan trọng của vấn đề việc làm, quan hệ lao động và BHTN trong đời sống nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức của người dân, người lao động và sử dụng lao động trong lĩnh vực này.

Tiến sỹ Trần Ngọc Diễn, Tổng biên tập Báo Lao động Xã hội nêu lên thực trạng, một số cơ quan báo chí chưa thực sự quan tâm đầu tư cho công tác thu thập, xử lý thông tin, truyền thông về lĩnh vực này. Trong khi đó thông tin về chính sách việc làm, quản lý lao động và BHTN là hệ thống thông tin mở, khô khan, ít hấp dẫn bạn đọc, ít cạnh tranh đối với nhà báo. Mặt khác, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với cơ quan báo chí cũng còn những hạn chế nhất định, một số cơ quan báo chí còn khá bị động, phụ thuộc vào nguồn tin từ cơ quan quản lý…

Từ đó, kiến nghị cần tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan truyền thông và quản lý; chú trọng công tác bồi dưỡng, phổ biến kiến thức cho người làm truyền thông, báo chí, nhất là những nội dung mới, vấn đề nóng được xã hội quan tâm chia sẻ.

leftcenterrightdel
Đông đảo đại diện các cơ quan truyền thông tham dự Hội nghị. (Ảnh: TH) 

Theo TS Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, hệ thống an sinh xã hội ở nước ta có phần đặc thù, nếu tiếp cận thông tin phiến diện, sẽ thu nhận thông tin không đầy đủ. Trên cơ sở đó, cơ quan báo chí cần trang bị kiến thức, quan điểm tiếp cận vấn đề, cách nhìn toàn diện, sâu sắc. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin…

Trong thời gian 3 ngày (từ 17/5-19/5), các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ được cung cấp những thông tin, kiến thức cơ bản và cập nhật về lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp; chia sẻ trao đổi thông tin hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước và các nhà báo, đồng thời các phóng viên được tạo điều kiện để đi thực tế viết tin, bài về các mô hình, kinh nghiệm trong lĩnh vực này./.

Thu Hằng/ĐCSVN