Tại thời điểm thanh tra, doanh nghiệp này có 493 người đã giao kết hợp đồng lao động. Trong đó, 250 người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 72 người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong thời kỳ thanh tra có 64 lao động thôi việc, xảy ra 2 vụ tai nạn lao động làm 2 người bị thương.
Kết luận Thanh tra số 64/KL-TTr ngày 19/4/2024 chỉ rõ, nội dung hợp đồng lao động đã giao kết với 6 người lao động thỏa thuận mục công việc phải làm ghi “theo sự phân công của lãnh đạo phòng/bộ phận” là chưa đúng quy định tại Điều 21 Bộ luật Lao động; Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.
|
|
Trụ sở Công ty CP Phân bón miền Nam. |
Hồ sơ Thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp không có thông báo bằng văn bản về những nội dung dự kiến tiến hành thương lượng tập thể của đại diện tập thể người lao động hoặc của người sử dụng lao động, không có biên bản cuộc họp thương lượng là không đúng quy định tại Điều 70 Bộ luật Lao động.
Thỏa ước lao động tập thể có nội dung không đúng quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động, cụ thể: tại điểm b khoản 2 Điều 11 quy định “trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm và không quá 60 giờ trong 1 tháng”.
Chưa xây dựng quy chế trả lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư 28/2016/TT-BLĐTBXH ngày 1/9/2016 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thực hiện quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
Kết luận Thanh tra dẫn chứng, tại điểm b khoản 2 Điều 11 quy định “trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm và không quá 60 giờ trong 1 tháng” là vi phạm quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động.
Không quy định cụ thể người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 69 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Khoản 3 Điều 27 quy định “người lao động bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải khi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động”, nhưng nội quy lao động không có quy định cụ thể danh mục các thông tin tài liệu thuộc bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ là chưa đúng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 69 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.
|
|
Kết luận Thanh tra của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra nhiều sai phạm của Công ty CP Phân bón miền Nam. |
Doanh nghiệp chưa thực hiện việc giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 136 Bộ luật Lao động.
Sổ cấp phát bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động thể hiện việc cấp phát bồi dưỡng bằng hiện vật theo tháng là không đúng nguyên tắc bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 24/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, có hại.
Thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở không đủ thành phần (thiếu người làm công tác y tế) là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Chưa lập biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động theo quy định tại khoản 6 Điều 13 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Biên bản điều tra vụ tai nạn lao động làm ông Trần Văn Thái bị thương nhẹ chưa kết luận về những người có lỗi, đề nghị hình thức xử lý theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ.
Từ những vi phạm nêu trên, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu người đại diện pháp luật doanh nghiệp thực hiện khắc phục vi phạm của kết luận thanh tra; Thực hiện niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở doanh nghiệp. Đặc biệt phải báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện Kết luận thanh tra kèm theo hồ sơ, tài liệu chứng minh đến Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH.