Bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP HCM cho biết, thời gian qua, một số đối tượng nắm bắt tâm lý của người lao động có ý định ra nước ngoài làm việc, muốn xuất cảnh nhanh nên đã lợi dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin không chính xác, giả mạo Bộ LĐ-TB&XH, giả mạo Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB) để lừa đảo, thu tiền trái quy định.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, các đối tượng này chạy quảng cáo các thông tin mạo danh, lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội, liên hệ với người lao động qua tin nhắn và yêu cầu người lao động chuyển khoản hoặc gửi đường link để người lao động đăng ký, khi người lao động nhấn vào đường link thì sẽ bị chiếm quyền sử dụng, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Để ngăn ngừa thông tin giả mạo, Sở LĐ-TB&XH TP HCM đề nghị UBND, Công an TP Thủ Đức và các quận, huyện hỗ trợ tuyên truyền, cảnh báo người lao động tại địa phương trước các thông tin sai sự thật.

leftcenterrightdel
 Thông báo tuyển dụng lao động đi làm việc tại Úc, sau đó có dấu hiệu "chiếm đoạt tiền" của người lao động.

Sở LĐ-TB&XH TP HCM cũng đề nghị các địa phương tuyên truyền cho người dân trên địa bàn cảnh giác với các lời mời chào, dụ dỗ đi làm việc ở nước ngoài với thu nhập cao, tìm hiểu thông tin chính thống, không tin vào cá nhân, tổ chức không có giấy phép hoạt động...

Trước đó, các đối tượng lập Fanpage có tên "Trung tâm tư vấn việc làm ngoài nước - Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội", "Tư vấn XKLĐ - Asian"… đăng tải thông tin tuyển chọn lao động đi làm việc tại Úc trên TikTok, trong đó mạo danh văn bản có chữ ký của Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, mạo danh chữ ký của Lãnh đạo Trung tâm Lao động ngoài nước, kèm theo hình ảnh Lãnh đạo Bộ làm việc với các đối tác nước ngoài, nhằm tạo dựng lòng tin lừa đảo người lao động.

Hình thức lừa đảo phổ biến là đối tượng mạo danh cán bộ của Trung tâm Lao động ngoài nước, yêu cầu người lao động nộp số tiền (có một số người đã nộp từ 40 - 50 triệu đồng) qua tài khoản hoặc yêu cầu người lao thẻ tín dụng hoặc thẻ thanh toán quốc tế (thẻ Visa, Mastercard), sau đó nộp số tiền vào tài khoản. 

Khi người lao động đóng tiền vào tài khoản, đối tượng lừa đảo cung cấp đường link để người lao động khai báo thông tin, từ đó lấy cắp các thông tin về tài khoản của người lao động để mua hàng hóa hoặc chuyển tiền sang một tài khoản khác.

Liên quan đến thủ đoạn lừa đảo nói trên, mới đây, Trung tâm Lao động ngoài nước khẳng định chỉ thực hiện phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, thông qua việc đăng ký dự thi tiếng Hàn trực tiếp tại Sở LĐ-TB&XH và làm thủ tục trực tiếp với Trung tâm Lao động ngoài nước không thông qua trung gian.

Trung tâm Lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động cần cảnh giác, chủ động phòng tránh các hành vi của đối tượng lừa đảo…/.

Xuân Trường