Y Ban là một cá thể nhiều sắc màu. Chị, lúc toang toác ruột để ngoài da, lúc thâm trầm kín kẽ. Cuộc chuyện trò với chị, bắt đầu từ câu chuyện phiếm, nhưng luôn kết thúc bằng những nhận định nghiêm túc, tâm huyết của Y Ban.
- Vấn đề thời sự nào chị quan tâm nhất hiện nay?
- Tôi mở đầu một ngày bằng cách thức dậy trong ánh nắng rọi qua khe cửa, trong tiếng chim líu lo ngoài vườn và muốn hướng tới những điều tốt đẹp nhất. Nhưng khi đến công sở, mở trang báo ra, tôi đối diện với hàng loạt tin tức đau đầu: lạm phát, giá cả leo thang, lũ lụt, lật xe, án mạng, động đất, sóng thần… Tất cả đều không nằm ngoài sự quan tâm của tôi.
- Chị phản ứng ra sao với những tin tức đó?
- Khác với ngày xưa, bây giờ, hiếm có cái gì khiến tôi rơi nước mắt. Tôi đã cạn kiệt, khô cằn. Tôi gần như hình thành trạng thái đối đầu, phản ứng lại, nổi khùng lên với những chuyện ngang trái, khó chịu. Đôi lúc tôi cảm thấy không thể nén được mà phải gào lên, phải chia sẻ với một ai đó.
Bạn nghĩ sao khi đọc được rằng, trên con đường hàng ngày bạn đi làm, có người phụ nữ, vì một tiếng còi xe vô cớ mà chệch choạc tay lái khiến cả mẹ lẫn con đều bỏ mạng. Đau đớn vô cùng.
Trước những chuyện như thế, có lúc tôi ngồi bần thần hết cả tiếng đồng hồ mới có thể tỉnh trở lại để bắt tay vào công việc của mình. Tất nhiên, là người viết văn, làm báo, tôi thường xuyên phải đối diện với những điều đáng buồn như vậy.
- Vậy chị cân bằng cuộc sống của mình bằng cách nào?
- Tôi xem những bộ phim sến lê thê của Hàn Quốc và đọc một loạt truyện dịch lãng mạn mà ngay khi đọc xong, tôi đã quên ngay tên tác phẩm.
Đã từ lâu, tôi không thiết tha đọc văn học nước nhà và xem phim truyện nước nhà. Tôi chưa tìm thấy sự hứng thú nào cả. Chưa kể lại còn phát khùng lên. Còn khi bắt buộc phải đọc thì khó khăn quá, khổ sở quá.
|
Nhà văn Y Ban. |
- Với tư cách là khán giả, theo chị, tại sao cái sến của những bộ phim Hàn Quốc lại hấp dẫn như vậy?
- Phim Hàn Quốc sến nhưng không yếu kém. Diễn viên họ đóng được, đóng chuẩn, diễn mà như không diễn, trang phục của họ đẹp, bắt mắt. Tôi đang xem Sự quyến rũ của người vợ - hơn 80 tập rồi, lê thê lắm. Khi nào khó ngủ, tôi lại bật phim lên xem. Xem xong lại khó ngủ hơn vì cái cô đóng vai Shin Ae Ri giỏi quá đi. Cô ta trêu tức cho người xem muốn nổi khùng, nổi điên lên.
Bối cảnh phim cũng đẹp, xem đến đâu, khán giả như được đi du lịch đến đó. Phim Hàn lê thê nhưng không buồn tẻ, bởi nó có vô vàn tình huống bất ngờ, kịch tính.
Ngoài ra, phim Hàn có tính giải trí cao. Tôi không phải suy nghĩ, không phải đau đầu gì khi xem những bộ phim như thế cả. Nó mang đến cho tôi sự nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày căng thẳng.
- Gần đây, phim Việt Nam có xu hướng làm lại các bộ phim thành công của Hàn Quốc. Nhưng theo chị, tại sao chúng vẫn không hấp dẫn được khán giả?
- Có nhiều lý do, trong đó có việc diễn viên của chúng ta kém. Diễn viên diễn kịch quá. Ở Việt Nam, phim truyền hình thì giống kịch; còn kịch lại giống như phim truyền hình. Không chỉ những phim làm lại Hàn Quốc thiếu hấp dẫn mà cả những bộ phim chính luận, nghiêm túc cũng khiến tôi thất vọng, dù trước khi phát sóng, chúng được quảng bá rất công phu.
- Nhiều bộ phim dù yếu kém vẫn được phát sóng; nhiều cuốn sách chất lượng thấp vẫn đựợc phát hành. Theo chị, hiện trạng này xuất phát từ việc người duyệt phim, biên tập sách không nhận ra sự yếu kém hay không dám từ chối sự yếu kém?
- Người ta không dám nói "không" vì có những cám dỗ không vượt qua được. Họ không dám từ chối vì sợ mất cái gì đó. Họ quen làm việc theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Họ làm được như vậy vì cơ chế của mình hiếm có các cá nhân chịu trách nhiệm. Cuối cùng, người tiêu dùng là đối tượng thiệt thòi nhất.
- Những năm gần đây, sách văn học Việt Nam xuất bản rất nhiều, nhưng độc giả chẳng được bao nhiêu. Chị lý giải hiện tượng này như thế nào?
- Vì văn học Việt Nam chưa hấp dẫn được độc giả. Vì cơ chế xuất bản, ở góc độ nào đó, quá dễ dãi khiến sách ra hàng loạt, vàng thau lẫn lộn. Cá nhân nào cũng có thể bỏ tiền ra in sách, rồi sau đó họ cánh hẩu với nhau, tung hô nhau lên…
- Nhưng sách muốn được xuất bản còn phải qua tay biên tập viên, còn phải được nhà xuất bản cấp phép?
- Ở ta có một tình trạng là cái tốt thì rất manh mún, còn cái yếu kém thì lại rất bền vững và đồng bộ. Trong các nhà xuất bản ở ta, có được bao nhiêu biên tập viên vững tay? Có bao nhiêu biên tập viên được đảm bảo cuộc sống để có thể đầu tư tối đa cho công việc của mình?...
Hơn nữa, rất ít nhà xuất bản ở ta chịu trách nhiệm từ A đến Z với một cuốn sách. Họ thường liên kết với một nhà sách, công ty sách nào đó. Phần việc của họ là biên tập, cấp phép và sau đó được nhận một khoản phí quản lý nhất định. Nên họ không nhất thiết quan tâm đến chất lượng, doanh thu của các đầu sách. Thậm chí, loại sách bỏ tiền túi ra in lại càng dễ xuất bản.
Thôi, mà có lẽ tôi dừng lại ở đây thôi. Nói nữa tôi lại trở thành kẻ thích a dua, chê bai. Tôi thú thực cũng thấy mình bất lực trước những gì mắt thấy tai nghe.
Theo VnE