leftcenterrightdel

Đó là bến phà Xuân Sơn nối đôi bờ sông Son thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) - là trọng điểm trên con đường huyết mạch, là điểm vượt của tuyến đường 15, 12 và 20 Quyết Thắng, là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà không lực Hoa Kỳ đánh phá hòng cắt đứt con đường chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Nơi đây được gọi là “tọa độ chết”, là túi bom ngút trời trên vùng chảo lửa.

Trước năm 1966, do yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam cùng với việc mở đường nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, bến phà này do Ty Giao thông Quảng Bình phụ trách. Sau năm 1966, bến phà này do Đại đội cầu phà 16 thuộc Binh trạm 14 phụ trách. Phương tiện ở đây ban đầu có một phà 18 tấn khi di chuyển phải kéo bằng tay. Về sau, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 cho lắp phao cầu và hai ca nô kéo phà. Thời gian phà hoạt động là vào ban đêm, còn ban ngày phải tháo dỡ, cất giấu vào cửa động Phong Nha. Ước tính mỗi đêm có khoảng hai ngàn xe chở quân, chở hàng hóa, vũ khí vượt sông tỏa đi các hướng của đường Trường sơn. Chính vì vậy, phà Xuân Sơn là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Ban ngày, chúng thả bom rải thảm đánh tọa độ. Ban đêm, chúng dùng pháo sáng tìm mục tiêu. Tất cả các loại bom phá, bom sát thương, có cả bom từ trường, bom nổ chậm, bom bi, bom tấn, bom định hướng, cây thu âm… rải dày đặc trên mặt sông.

Hai mươi mốt năm trời ròng rã, hàng vạn ngày đêm, đã có biết bao nhiêu đồng bào, đồng chí đã sống chết với con phà này.

Đó là các chiến sĩ đêm ngày làm nhiệm vụ kéo phà, lắp ghép phà khi màn đêm buông xuống và tháo dỡ phà đem đi cất giấu trước khi trời sáng. Đó là các chiến sĩ dân quân tự vệ và bộ đội địa phương với súng trường, súng máy, súng pháo cao xạ, là bộ đội 12,7 ly, 37 ly, 57 ly, 105 ly, 155 ly, 175 ly và bộ đội ra đa tên lửa… đã chong mắt đêm ngày đề cao cảnh giác, sẵn sàng đánh và đánh thắng các loại “cánh cụp”, “cánh xòe”, “Thần sấm”, “Con ma” và “Pháo đài bay” B52 của giặc Mỹ.

Các chiến sĩ công binh phá bom từ trường trên dòng sông Son lịch sử - những chiến sĩ cảm tử sẵn sàng nhận cái chết về mình để cho con phà được sống, con đường huyết mạch được thông suốt. Mỗi lần nhận nhiệm vụ phá bom là chấp nhận đi vào “cửa tử”. Những chiến sĩ làm nhiệm vụ phá bom đều được đồng đội làm lễ “truy điệu sống” trước lúc lên đường. Ca nô nổ máy, phía sau ca nô gắn một thanh kim loại rồi chạy vào vùng có bom từ trường. Sau tiếng rẽ sóng, phía đuôi ca nô từng cột nước bốc cao hàng chục mét. Những tiếng bom nổ liên hồi đuổi theo ca nô của người chiến sĩ cảm tử ấy. Võ Thế Chơn là một trong những người chiến sĩ cảm tử ở bến phà này. Nhiều người trong số 29 đồng đội của Võ Thế Chơn và 70 thanh niên xung phong trên bến phà này đã nhận nhiệm vụ cảm tử cho con phà được sống. Có lần Võ Thế Chơn đã lượn 5 vòng ca nô phá được hàng trăm quả bom, thông đường cho hơn 300 xe chở quân, chở hàng ra mặt trận.

Bến phà Quán Hàu thuộc xã Lương Ninh và Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) - một trọng điểm quan trọng trên con đường chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây từng được gọi là “tọa độ lửa”. Kẻ thù đã tập trung đánh phá với khối lượng bom đạn dày đặc dội xuống ngày đêm ở nơi này hòng chặn đứng nguồn lực từ hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến, âm mưu cắt đứt cuống họng con đường huyết mạch của ta.

Thế nhưng dân quân du kích, nhân dân địa phương cùng sự hỗ trợ của các lực lượng phòng không Quân khu 4 - với khẩu hiệu “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “đường chưa thông không tiếc máu xương”, họ đã tự nguyện dỡ nhà, vác cả cột nhà mang ra lát đường cho xe chạy. Nhiều cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt đã diễn ra ở nơi này. Nguyễn Xao, Nguyễn Đình Trữa … và hàng trăm đồng bào, chiến sĩ ta đã nêu những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, gan dạ dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Bến phà Long Đại nằm ở ngã ba sông Long Đại và Kiến Giang đổ ra sông Nhật Lệ (thuộc xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) - là trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ hòng chặt đứt con đường chi viện cho chiến trường miền Nam. (Long Đại gọi chếch là “Long Đầu”). Để bảo vệ phà Long Đại, ngoài Đại đội 6 còn có Tiểu đoàn 6 cao xạ pháo và lực lượng dân quân du kích các xã quanh vùng. Hàng trăm, hàng nghìn trận đánh ác liệt đã diễn ra ở nơi này để chiến đấu với “lũ giặc trời” bảo vệ con phà, bảo vệ con đường, bảo vệ những đoàn xe ra trận. Máu bộ đội, máu dân quân du kích, máu thanh niên xung phong và máu người dân đã nhuộm thắm đỏ đất làng Long Đại anh hùng.

Bến phà Gianh cùng nhiều bến đò nhỏ trên sông Gianh (Quảng Bình) là mục tiêu quan trọng, điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Với các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất, kẻ thù đã tập trung đánh có tính hủy diệt nơi này. Trong giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã dùng máy bay oanh tạc bến phà này gần ba nghìn trận, dội xuống nơi này hàng ngàn tấn bom. Thế nhưng, với khẩu hiệu hành động: “Đầu đội bom, chân bám phà, tay lái, tay súng, miệng hát bài ca chiến thắng”, cán bộ chiến sĩ phà Gianh đã âm thầm vượt sông, rà phá thủy lôi, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, đưa hàng chục ngàn chuyến phà vượt sông Gianh, chuyên chở trên hai triệu lượt xe, hàng triệu tấn hàng hóa, hàng chục vạn cán bộ chiến sĩ vào Nam, ra Bắc, góp phần vào chiến công chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Phà Bến Thủy, bờ bắc là thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), bờ nam là Nghi Xuân - Gia Lách đã từng hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn của kẻ thù. Chỉ tính một giai đoạn đã có 26 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và hàng trăm người bị thương ở bến phà này vì sự thông suốt của con đường huyết mạch ra tiền tuyến. Cán bộ chiến sĩ phà Bến Thủy được hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Có hai cá nhân anh hùng là Nguyễn Trọng Tường, Nguyễn Hữu Tùng. Nguyễn Trọng Lý, Hoàng Nghĩa Cự, Hoàng Thị Liên và nhiều đồng đội đã chiến đấu dũng cảm lái ca nô cảm tử phá bom từ trường của địch và bắt sống giặc lái Mỹ.

Bến phà Âu Lâu thuộc xã Âu Lâu và phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) là một trọng điểm vận chuyển cán bộ, bộ đội, dân công, lương thực và vũ khí phục vụ các chiến dịch lớn trong kháng chiến chống Pháp, mở đường thắng lợi cho chiến dịch Điện Biên “chấn động địa cầu”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, với tinh thần “sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm”, Âu Lâu đã đưa 500 lượt pháo qua sông, chuyên chở gần 20 vạn lượt ô tô, hàng ngàn tấn hàng hóa cho tiền tuyến lớn.

Trong kháng chiến chống Mỹ, ngày 31-5-1966, địch đã dùng nhiều tốp máy bay đánh phá Âu Lâu liên tục trong 4 tiếng đồng hồ, gây thiệt hại nặng nề cho thị xã Yên Bái và bến Âu Lâu. Ngày 18-12-1972, giặc Mỹ lại đánh phá ác liệt vào Yên Bái và bến Âu Lâu… Nhưng chúng không thể nào cản được những chuyến phà chi viện cho miền Nam ruột thịt.

leftcenterrightdel

Bến phà Non Nước (Ninh Bình). Ngày 10-4-1967, nơi đây bị giặc Mỹ đánh phá dữ dội, bom nổ tạo nên những cột nước cao hàng chục mét, nhưng bất chấp hiểm nguy, đồng chí Nguyễn Vinh Ba, Nguyễn Từ Thức và đồng đội đã bình tĩnh gan dạ - vừa hướng dẫn lái xe cho xe vào hầm trú ẩn, vừa chỉ huy cứu thương, vừa dũng cảm điều khiển chiếc phà vào nơi trú ẩn an toàn. Sau đợt địch oanh tạc, lại chỉ huy rà phá bom mìn và bắc phà đưa hơn ba trăm xe hàng ra tiền tuyến.

Ngày 15-10-1967, cũng tại bến phà Non Nước, đồng chí Nguyễn Vinh Ba đã cùng đồng đội có sáng kiến kéo được xe chở tên lửa suýt nghiêng xuống sông lên cầu phao - và điều khiển xe chở tên lửa lên đường an toàn đúng theo kế hoạch hành quân của đơn vị - trong khi những trận oanh tạc của địch vẫn còn tiếp diễn.

Bến phà Thác Oánh, Ngọc Lâm (Thái Nguyên) cùng với đường ngầm Sơn Cẩm (Phú Lương), Bến Tương (Thành phố Thái Nguyên) - là nơi vận chuyển hàng hóa và cơ động lực lượng trên Quốc lộ 1B về Thái Nguyên, là nơi vận chuyển quân và lương thực, vũ khí cho tiền tuyến lớn. Khi địch đánh hỏng cầu Gia Bảy, nhờ có phà Thác Oánh, Ngọc Lâm và các đường ngầm Bến Tương, Sơn Cẩm, giao thông vận tải từ Lạng Sơn về Thái Nguyên và từ Thái Nguyên chi viện cho tiền tuyến lớn vẫn được thông suốt.

Bến phà Kiến An (Hải Phòng), trong chiến tranh phá hoại, địch đã đánh phá bến phà này và thị xã Kiến An hơn 300 lần, ném xuống 9.000 quả bom các loại, nhưng Kiến An và thành phố Cảng kiên cường vẫn thực hiện “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho tiền tuyến. Hai mươi vạn tấn hàng chi viện cho tiền tuyến vẫn đầy đủ. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 363 tên lửa phòng không nằm ở Cưu Viên - Kiến An và vũ khí tên lửa SAM-II vẫn đảm bảo được bí mật bất ngờ và đánh thắng.

Bến phà Bãi Cháy - Hòn Gai bao nhiêu năm ròng vẫn lặng lẽ, kiên cường vận chuyển bộ đội, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng, thuốc men và vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường - dưới hàng trăm trận mưa bom bão đạn của quân thù.

leftcenterrightdel
Cầu Bãi Cháy đã thay bến phà xưa. 

Bến phà Tân Đệ nối đôi bờ sông Hồng giữa thành phố dệt Nam Định với Thái Bình “quê hương năm tấn”. Trong những năm chống Mỹ, phà Tân Đệ đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn lương thực, hàng chục vạn tấn thịt lợn, hàng chục vạn tấn hàng hóa nhu yếu phẩm từ “quê hương năm tấn” thân yêu ra mặt trận. Với khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, Thái Bình đã động viên được cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hơn 15 vạn thanh niên nam nữ Thái Bình đã tình nguyện - qua phà Tân Đệ - lên đường tòng quân cứu nước (bằng mười phần trăm dân số). Hơn 1 vạn con em Thái Bình đã hy sinh một phần xương máu. Hơn 3 vạn con em Thái Bình đã vĩnh viễn không trở lại bến phà Tân Đệ, về với gia đình vì nền độc lập dân tộc.

Giặc Mỹ đã cho gần 8.000 lượt máy bay oanh tạc, đã dội  gần 3.000 tấn bom xuống mảnh đất Thái Bình và bến phà kiên cường này. Nhưng, sức người, sức của của mảnh đất anh hùng vẫn được huy động đến cao nhất, góp phần không nhỏ vào chiến công chung giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Một mùa xuân mới thanh bình đang về trên khắp mọi miền quê hương. Dưới màn mưa ấm nồng của mùa Xuân, chúng ta bước trên những cây cầu mới hiện đại, lòng không khỏi rưng rưng xen lẫn tự hào nghĩ đến những bến phà xưa…

Những bến phà xưa có thể chỉ còn trong ký ức, có thể đã nhường chỗ cho những cây cầu thế kỷ, nhưng những cái tên thân thương và oai hùng như: Xuân Sơn, Quán Hàu, Long Đại, Gianh, Bến Thủy, Âu Lâu, Non Nước, Thác Oánh, Kiến An, Bãi Cháy, Tân Đệ… thì còn mãi trong lòng mỗi người dân đất Việt.

Tùy bút của Phạm Minh Giang