Nhiều nhà chuyên môn về điện ảnh đã từng nhận định rằng, làm phim lịch sử đã khó, xây dựng phục trang cho phim lại càng khó hơn. Rất nhiều bộ phim lịch sử Việt Nam đã từng phải hứng chịu nhiều trận “mưa đá” vì mắc lỗi trong thiết kế hoặc in nhầm hoạ tiết.
   


Theo đạo diễn Thanh Vân, người đạo diễn, hoạ sỹ hay nghệ sỹ có trách nhiệm giữ lại tinh thần của thời đại lịch sử trong trang phục nhưng có quyền nâng tầm thẩm mỹ lên. Và thẩm mỹ không có nghĩa là lặp lại thẩm mỹ xấu và truyền bá cho 100 năm sau. Nghệ thuật có nghĩa là nâng tầm thẩm mỹ chứ không phải mô phỏng lại lịch sử một cách cứng nhắc.

“Quan điểm của tôi là không phải cái đúng là cái đẹp. Nghệ thuật phải đặt tính thẩm mỹ lên hàng đầu trên cơ sở cái đúng, chứ không phải mô phỏng lại cái đúng mà không thẩm mỹ. Nếu người của 100 năm sau mô phỏng lại cái đúng cái đã có trước đó như vậy là không có sự phát triển”, ông Vân nói thêm.

Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cũng thừa nhận ở Trung Quốc và Hàn Quốc tư liệu lịch sử về trang phục còn lại khá nhiều. Tuy nhiên, các nhà làm phim cũng rất ít khi bê nguyên xi trang phục trong lịch sử vào phim mà có sự biến hoá.

Hoạ sỹ Nguyễn Mạnh Đức từng chia sẻ rằng, việc tranh luận đúng sai về trang phục của phim lịch sử là áp lực rất lớn đối với các nhà làm phim. Nhưng không vì thế mà các nhà làm phim buộc phải lặp lại chính mình. Trong phim “Phật hoàng Trần Nhân Tông” ông được giao thiết kế trang phục và ông đã từ thực tế nâng tầm lên để trang phục nhiều tính thẩm mỹ hơn, phù hợp với nhãn quan của người xem hơn. Ông cho rằng, ngôn ngữ của điện ảnh khác với ngôn ngữ của sách vở vì nó phải mang đến sự gần gũi cho người xem chứ không đơn thuần chỉ đúng với lịch sử.
 

Theo Dân trí

.