Những sản phẩm bằng vàng mã như bikini, đồ nội y, túi xách hàng hiệu Gucci, điện thoại thông minh... đã xuất hiện từ trước đó, nhưng những “mặt hàng” này càng gây chú ý hơn trong những ngày cận ông công, ông táo và sát Tết Nguyên Đán.
Khi hình ảnh vàng mã bikini chẳng khác đồ thật xuất hiện trên mạng những ngày vừa qua đã nhận về nhiều bình luận trái chiều. Người thì tỏ vẻ ngạc nhiên, hứng thú; người lại cho rằng quan niệm “trần sao âm vậy” là lệch lạc...
|
|
Vàng mã bikini gây tranh cãi... |
Khi được hỏi về vấn đề này, GS sử học Lê Văn Lan đã bày tỏ thái độ phản đối vấn nạn vàng mã đang biến tướng và hoành hành trong đời sống xã hội.
“Vàng mã có từ lâu đời, mang tinh thần thay thế sự thực tốn kém bằng cái ảo nhưng giản dị, khiêm tốn. Tinh thần đáng trân trọng ấy đến bây giờ bị... vỡ. Người ta thay sự khiêm tốn, giản dị, đơn sơ, không tốn kém bằng sự hào nhoáng,lộng lẫy, đắt tiền. Điều đó gây phản cảm, trái với truyền thống và gây tốn kém”, GS Lê Văn Lan nói.
GS Lê Văn Lan đưa ra ví dụ: “Khi tôi đào khảo cổ những ngôi mộ thời Đông Sơn ở Thanh Hóa. Bên cạnh những bộ xương người về với tổ tiên, những thủ lĩnh oai phong đều có bên cạnh mình cái trống đồng nhỏ xíu. Khi sống, ông ta tốn kém huy động dân công lên miền ngược mang đồng về đúc trống đồng. Nhưng khi ông ấy mất, ông chỉ mang mô hình trống đồng nhỏ xíu, đơn sơ nhưng mang đầy đủ giá trị quyền lực của người thủ lĩnh. Liên hệ với việc làm vàng mã, nó cần thiết nhưng đơn sơ, giản dị, mang giá trị tượng trưng thôi”
Theo GS Lê Văn Lan, việc đốt vàng mã để hướng thiện đang bị lạm dụng quá đà. Ông xin người dân hãy dừng lại...
|
|
GS Lê Văn Lan (Ảnh: Nguyễn Hằng) |
Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nếu những bộ bikini, giày cao gót bằng vàng mã này được sử dụng để “gửi” cho người đã khuất với ý nghĩ “trần sao âm vậy” thì đó là sự lệch lạc, biến tướng về nhận thức. Việc đốt đồ mã như thế là vi phạm, cần bị xử lý....
“Vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của “người trần” đối với “người âm”. Nhưng chỉ là hình thức tượng trưng, sử dụng những đồ dâng cúng, mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đồ thật. Và vì thế, sử dụng vàng mã chỉ nên vừa phải, không nên lạm dụng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
Theo ông, ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế, người dân có cuộc sống sung túc hơn, và họ mong muốn người đã khuất cũng sung túc hơn. Đây chính là nguyên nhân của việc vàng mã, đồ mã bị đốt nhiều trong mấy năm trước.
Thực trạng vàng mã bị lạm dụng, biến tướng là biểu hiện của việc tuyên truyền văn hóa chưa tốt. Trong khi nhận thức của người dân còn kém.
“Theo quan sát của tôi, gần đây hiện tượng đốt đồ mã, vàng mã cũng đã giảm nhiều. Cũng là nhờ sự vào cuộc của Hội Phật giáo Việt Nam, tuyên truyền hạn chế đốt vàng mã ở các chùa, rồi tác động được đến các đền, phủ...”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ thêm.
Về việc vẫn để xảy ra những hiện tượng đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, theo ông Sơn là do nhận thức của người dân, vì có cầu mới có cung.
Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt về việc lạm dụng vàng mã lại chưa được thực hiện một cách triệt để, chưa thực sự có tác dụng. “Xử phạt ai, xử phạt đối tượng nào, hình thức xử phạt như thế nào?” là những câu hỏi khiến các cơ quan chức năng phải lúng túng.
“Lễ hội ở các địa phương rất nhiều, trong khi lực lượng ngành văn hóa mỏng. Vấn nạn vàng mã và việc xử lý cần có sự vào cuộc của nhiều cấp ngành, đơn vị mới xử lý được chứ chỉ riêng ngành văn hóa thì không dẹp nổi”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
|
|
Nhạc sĩ Nguyễn Cường (Ảnh: Nguyễn Hằng) |
Bên cạnh những ý kiến cho rằng vàng mã bikini là biểu hiện quan niệm lệch lạc thì cũng có nhà văn hóa đưa ra góc nhìn riêng. Theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, bikini không xấu, không phải là thứ đáng để lên án hay tẩy chay.
“Nếu cơ quan chức năng cấm việc sản xuất và kinh doanh mặt hàng này mà chúng vẫn được mua bán tràn lan thì đó là biểu hiện của việc vi phạm pháp luật. Còn trong trường hợp chúng không bị cấm thì việc mua bán là quyền của người dân. Bản thân bộ bikini không có lỗi và không đáng bị lên án”, vị nhạc sĩ bày tỏ.