leftcenterrightdel

Không biết phong tục này có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ xa xưa nét văn hóa đó đã ăn sâu trong mỗi gia đình người Việt. Cứ vào khoảng 28 tháng Chạp thì nhà nhà đã bày biện một mâm ngũ quả kèm với nhiều sản vật khác trên bàn thờ. Mâm ngũ quả biểu trưng cho năm lời chúc đầu năm mới là: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Theo từ Hán Việt thì chữ Phúc trong ngũ quả chính là ước mong gia đình sum họp đông vui, hạnh phúc. Chữ Lộc cầu cho cả nhà được hưởng sự no đủ trong cuộc sống quanh năm. Chữ Thọ mang lời ước được sống trọn đời khỏe mạnh, sống trăm tuổi. Chữ Khang có nghĩa là an khang, an nhàn, tự tại, luôn minh mẫn, hoạt bát. Chữ Ninh là lời ước gia đình ấm êm, tai qua nạn khỏi… Theo thuyết duy vật cổ đại, tất cả mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu, gồm: kim loại (kim), gỗ (mộc), nước (thủy), lửa (hỏa), và đất (thổ) - gọi là ngũ hành. Trong Đại từ điển, “ngũ” có đến 12 nghĩa và 1.148 từ kép ghép với nó. Phổ biến, chúng ta có: ngũ sắc, ngũ vị, ngũ âm, ngũ tạng, ngũ quan, ngũ luân, ngũ cốc… Như vậy, số 5 là biểu hiện chung của sự sống và ở đây “ngũ quả” tự nó biểu trưng một tập thành được coi là đầy đủ của loại lễ vật dâng cúng là quả. Còn theo quan niệm của dân gian thì “quả” (trái cây) được xem như biểu tượng cho thành quả lao động của một năm. Ông cha ta chọn 5 loại trái cây để cúng đêm giao thừa là ngụ ý rằng: Những sản vật này được kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh, tổ tiên trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn. Tư tưởng, hình ảnh ấy đã ăn sâu vào tâm thức của Việt Nam bao đời nay.

Từ xưa đến nay, không ai biết chính xác “ngũ quả” gồm những quả gì, nên tùy vào đặc trưng mỗi vùng miền, người ta sẽ chọn những quả ngon ngọt, màu sắc đẹp, to tròn để bày biện. Đã gọi là ngũ quả thì nhất thiết phải là 5 loại quả. Tuy nhiên, tùy vào các vùng, các miền có từng loại hoa trái khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác nhau. Và ngày nay, do trái cây ngày càng nhiều, loại nào cũng ngon, bổ nên để thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, đồng thời cũng nhằm thể hiện tính nghệ thuật trong cách trình bày, con mắt thẩm mỹ độc đáo của mỗi người, nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, và người ta cũng không câu nệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Nhiều hơn, nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả” và dù đựng trong đĩa vẫn gọi theo xưa là “mâm”. Bởi đó là một “sản phẩm văn hóa” đã xác lập trong quá trình lịch sử lâu dài, được khuôn đúc theo quan niệm về “bộ ngũ hoàn hảo”.

leftcenterrightdel

Mâm ngũ quả ở miền Bắc thường có 5 loại quả: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Trong đó, nải chuối tượng trưng cho bàn tay che chở; bưởi tròn trịa hứa hẹn một năm mới no đủ, may mắn; đào - hồng - quýt đỏ thắm mang lại sự ấm cúng, thành đạt, giàu sang… Trong khi đó, mâm ngũ quả của người miền Nam hầu như không xuất hiện nải chuối vì sợ “chúi đầu, chúi mũi”, vất vả cả năm. Người ta cũng kỵ trái cam vì sợ phải “cam chịu”. Do đó, mâm ngũ quả của miền Nam thường chỉ có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Phía dưới chân đế còn để thêm trái thơm với ý nghĩa “cầu thơm vừa đủ xài”.

Mâm ngũ quả thường bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng. Nếu không có mâm bồng, có thể bày trên một cái đĩa to, nhưng phải đặt trên chồng bánh chưng để tạo dáng cao, uy nghiêm, thành kính. Một mâm ngũ quả được bày dưới cùng là một nải chuối to già còn xanh, nải chuối đều, hoặc 2 nải chuối nhỏ ghép với nhau như một chiếc bệ cong gồm 2 tầng nâng đỡ hoàn toàn hoa trái khác. Ở đây có sự phối hợp màu sắc, mâm ngũ quả đẹp là đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa bệ mâm xanh sẫm, trước đây bày quả phật thủ, ngày nay có thể thay bằng quả bưởi to, càng to càng đẹp. Bưởi chín vàng tươi nổi bật trên bệ chuối màu xanh. Những quả chín đỏ đặt xung quanh, những chỗ khuyết dưới đặt xen kẽ quýt vàng và táo màu xanh ngọc. Những chiếc lá xanh của những chùm quất, quýt xen kẽ càng hoàn thiện những nét trang trí cuối cùng.

Mâm ngũ quả đã làm quang cảnh ngày Tết và không gian thờ cúng thêm phần trang trọng, ấm áp và rực rỡ. Nó thể hiện sinh động tư tưởng triết lý - thẩm mỹ ngày Tết. Tìm hiểu về mâm ngũ quả cũng là tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, truyền thống tốt đẹp để chúng ta nhớ về tổ tiên, ông bà.

Thế Thanh