(BVPL) - Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc đã 60 năm và đã có hàng vạn bài báo, cuốn sách viết về nó, nhưng chiến thắng vĩ đại này đến bây giờ vẫn nóng hổi tính thời sự với nhiều sự kiện vẫn chưa được giải mã. Thay lời tri ân các Chiến sỹ Điện Biên, Thanh niên xung phong - những con người đã viết nên một trong những trang sử vẻ vang nhất của dân tộc, tôi xin kể về 3 trong số các sự kiện chưa được giải mã đó (hay đúng hơn là sự khám phá của tôi) sau khi được đọc cuốn hồi ký “Đâu có giặc là ta cứ đi” của một người anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ - liệt sỹ chống Mỹ: Lê Văn Dỵ (“Đâu có giặc là ta cứ đi” - một trong những cuốn sách của NxbQĐND tái bản nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ).
 
1954, Điện Biên Phủ (C811 tiêu diệt C1)
1954, Điện Biên Phủ (C811 tiêu diệt C1)
 
Đồi C1 - một trong những cứ điểm quan trọng bậc nhất của quân Pháp ở Điện Biên Phủ
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá 5 ngọn đồi phía đông (E1, D1, C1, C2, A1) là tấm lá chắn thép, là thành luỹ bảo vệ cho cả tập đoàn cứ điểm của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Trong đó, C1 (Elian 1) và A1 (Elian 2) tuy thấp hơn E1, D1, nhưng lại có vị trí quan trọng hơn nhiều, bởi chúng chỉ cách sở chỉ huy của Đờ Cát vài trăm mét và trực tiếp kiểm soát 2 chiếc cầu qua sông Nậm Rốm. Nếu ta chiếm được C1, A1 thì sẽ phá được thế phòng thủ liên hoàn của địch ở hai bên bờ sông Nậm Rốm, đồng thời khống chế được các cứ điểm trên cánh đồng Mường Thanh bằng hoả lực bắn thẳng của ta…(Võ Nguyên Giáp-“Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, NxbQĐND, Hà Nội-2000, trang 143, 265, 266, 143, 399…).
 
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ còn được ví như một con bạch tuộc khổng lồ với 2 con mắt là C1 và A1, nếu chọc thủng đôi mắt đó thì con bạch tuộc sẽ chết. Bởi thế, cuộc chiến giữa hai bên trên 2 ngọn đồi này diễn ra ác liệt nhất, dài ngày nhất (A1: 38 ngày, C1: 32 ngày). 
 
"C1 - Một cứ điểm quan trọng trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, ngọn đồi duy nhất trong các ngọn đồi phía đông, Pháp chọn là nơi dựng cột cờ cho cả tập đoàn cứ điểm” (Tạp chí “Văn Nghệ Lai Châu”, số 3-2001, trang 3).
 
Trong chiến dịch lịch sử này, Đại đoàn 316 có vinh dự được giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt 3 cứ điểm C1, A1, C2. “Những trận đánh ác liệt ở C1, A1 còn vang vọng mãi vào lịch sử chiến đấu của quân đội ta như là một mẫu mực của lòng quả cảm, đức hy sinh và tinh thần sáng tạo vượt khó để giành thắng lợi" (“Lịch sử Sư đoàn 316”, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, NxbQĐND, Hà Nội-2001, trang 281, 282).
 
Trận chiến C1 khốc liệt
 
Trận đánh tiêu diệt cứ điểm Đồi C1 do Trung đoàn trưởng Vũ Lăng (E98, Đại đoàn 316) là tổng chỉ huy và kéo dài tới 32 ngày, được chia làm 2 hai đợt, đợt 1: từ 30/3-10/4/1954 do Trung đoàn 98 đảm nhiệm; đợt 2: từ 11/4-30/4/1954 do Đại đội 811 (Tiểu đoàn 888, Trung đoàn176, Đại đoàn 316) đảm nhiệm.
 
Trong 12 ngày chiến đấu liên tục, hai tiểu đoàn (D215, D439) của Trung đoàn 98 dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tiểu đoàn trưởng Bùi Hữu Quán và Tiểu đoàn trưởng Hoàng Vượng đã kiên cường đánh lui nhiều đợt phản công của quân địch, diệt hàng trăm tên. Nhưng do bị tổn thất và theo kế hoạch tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch, Trung đoàn 98 được lệnh rút quân về tuyến sau củng cố chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích sắp tới.
 
5h chiều ngày 11/4/1954, trong khi đang phối hợp với Đại đoàn 304 chiến đấu ở Hồng Cúm (phân khu Nam), Tiểu đoàn 888 (E176, Đại đoàn 316) được lệnh hành quân về khu Đông tăng cường cho Trung đoàn 98. Do yêu cầu tác chiến, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng quyết định chỉ đưa Đại đội 811 (D888) lên phòng ngự, chiến đấu trên Đồi C1. "Chiều ngày 11/4/1954, Đại đội 811 do Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ chỉ huy được đưa ra phòng ngự tại C1 thay cho các đơn vị đã chiến đấu suốt 2 ngày rút về phía sau củng cố. Những người mới tới kinh hoàng vì mùi hôi thối của những thi thể bắt đầu phân huỷ, những đám ruồi nhặng đen đặc, những chiếc khẩu trang bịt chặt không thể ngăn chặn mùi ô nhiễm ngấm vào đất, đã bám vào áo quần và thân thể họ. Họ phải xây dựng những đường hào, ụ súng, hầm ngủ, rồi lấy dây thép gai và mìn của địch để xác định ranh giới giữa ta và địch…Trung đoàn trưởng Vũ Lăng lên thăm trận địa ngạc nhiên khi thấy trên trái đồi đã bị bom đạn làm biến dạng, cách địch vài chục mét, các chiến sỹ ta vẫn có một cuộc sống đàng hoàng trong những căn hầm lót vải dù, đọc sách, đánh tulơkhơ, chỉ riêng mùi ô nhiễm thì không có cách nào khắc phục được. Đại đội 811 đã phòng ngự tại C1 hai mươi ngày liền, cho tới lúc tiêu diệt cứ điểm này vào cuối tháng Tư. Trên đồi A1 cũng diễn ra tình hình tương tự...” (Võ Nguyên Giáp-“Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, NxbQĐND, Hà Nội-2000, trang 306, 307). 
 
Anh hùng Lê Văn Dỵ
Anh hùng Lê Văn Dỵ
 
Sự kiện đặc biệt trong trận C1 Điện Biên Phủ
 
Để có chiến thắng oanh liệt, ít đổ máu xương chiến sỹ trong trận C1, bên cạnh sự chỉ huy sáng suốt, tài tình của các cấp chỉ huy và tinh thần đoàn kết, dũng cảm, kiên cường chiến đấu của tập thể cán bộ chiến sỹ Đại đội 811, còn có yếu tố quan trọng nữa, đó là vai trò của người chỉ huy trực tiếp trên trận địa. Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ đã đồng cam cộng khổ với cán bộ chiến sỹ, dù bị thương 2 lần vẫn không rời trận địa; anh đã có sáng kiến cho bộ đội đào một đường hào ngầm dài gần 20m đi xuyên dưới lòng núi từ trận địa ta đến sát lô cốt Cột cờ trên đỉnh Đồi C1 của địch, đường hào ngầm này đã phát huy tác dụng rất cao trong chiến đấu; đó còn là tính táo bạo, quyết đoán trong chỉ huy chiến đấu, dám làm, dám chịu trách nhiệm: Anh đã “chống lệnh” Trung đoàn trưởng Vũ Lăng (2 sự kiện đặc biệt này chưa bao giờ được công bố và rất ít người biết, kể cả Trung đoàn trưởng Vũ Lăng; chỉ có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tá-Nhà văn Mai Vui, nguyên Tổng biên tập Báo Quân khu 3, nguyên Chính trị viên Đại đội -E98, trực tiếp chiến đấu trên Đồi C1 Điện Biên Phủ là biết rõ).
 
Tuyến hào ngầm trên đỉnh Đồi C1
 
So sánh sự tương quan giữa ta và địch trên Đồi C1 thì địch có lợi thế hơn ta rất nhiều: 
 
Về lực lượng: Địch có 2 đại đội thiện chiến mới được tăng cường từ Hà Nội lên, nên rất sung sức; ngoài ra chúng còn được sự chi viện đắc lực của 2 tiểu đoàn dù ở Đồi C2 và Đồi Mâm Xôi liền kề. Trong khi đó: Ta chỉ có 1 đại đội (C811), sức khỏe của bộ đội đã giảm sút do đã chiến đấu liên tục ở Điện Biên Phủ từ cuối tháng 10/1953).
 
Về trận địa: Địch chiếm giữ 2/3 quả đồi về phía nam, rộng hơn và ở thế trên cao; trận địa ta chỉ ở 1/3 quả đồi về phía bắc và hẹp hơn trận địa địch.
 
Về vũ khí: Địch mạnh hơn ta rất nhiều, chúng có cả súng phun lửa, một loại vũ khí lợi hại, lần đầu tiên sử dụng ở Việt Nam và duy nhất ở trận C1 Điện Biên Phủ. Địch lại có sự chi viện của pháo binh ở Hồng Cúm, của các khẩu trọng liên 4 nòng ở Đồi C2 liền kề và ở đầu cầu Mường Thanh chỉ cách trận địa ta vài trăm mét. Ngoài ra máy bay địch thường xuyên ném bom, kể cả bom na-pan xuống trận địa của Đại đội 811. “Máy bay địch bắt đầu sử dụng một loại bom mới của Mỹ (Hail Leaflet) chứa hàng ngàn mũi tên rất nhỏ sắc bén…; những đơn vị khá nhất và những chỉ huy được tin cậy nhất của tập đoàn cứ điểm được tăng cường cho trung tâm đề kháng Êlian (lúc này là C1). Tiểu đoàn trưởng dù Brêxinhắc đã nắm quyền chỉ huy tại khu Đông thay thế cho Bigia trở về sở chỉ huy Mường Thanh. Tại đây có Tiểu đoàn dù 2 (thuộc Trung đoàn dù thuộc địa số 1), Tiểu đoàn dù xung kích số 6, Tiểu đoàn dù nguỵ số 5, Tiểu đoàn 1 bán lữ đoàn lê dương 13 cùng với 2 đại đội độc lập, đơn vị công binh và một số lính Angiêri, lính Thái… Brêxinhắc vẫn đặt sở chỉ huy trên Đồi C2 (Êlian 4), đã linh cảm trận đánh Đồi C1 (Êlian 1) sắp nổ ra trên đầu mình…” (Võ Nguyên Giáp-“Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, NxbQĐND, Hà Nội-2000, trang 370-373).
 
Vì thế, mà trong 6 ngày liền (từ 20-25/4/1954), Đại đội 811 không chiếm thêm được một tấc đất nào. Lên thì được, đánh chiếm được, nhưng giữ không được, vì địch quá gần. Mất chỗ nào, địch lại tập trung lựu đạn, liên thanh bắn vào đó liên tục gây tổn thất cho ta, nên Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ lại phải cho bộ đội rút về trận địa. 
 
Trước tình hình đó, Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ đã có sáng kiến cho bộ đội đào một đường hào ngầm dài gần 20m đi luồn dưới mặt đất từ trận địa ta xuyên thẳng về phía Cột cờ của địch. Từ đường ngầm này, ta đánh lấn chiếm được lô cốt số 3. Từ lô cốt số 3, ta đã đào một công sự ném lựu đạn về phía địch. Đặc biệt, trong trận tiến công quyết định đêm 30/4, từ đường hào ngầm, Tiểu đội dao nhọn và Tiểu đội cắm cờ đã bất ngờ đội đất xông lên tiêu diệt gọn lô cốt Cột cờ và cắm lá cờ Quyết thắng lên đúng vị trí Cột cờ của địch. Và sau 45 phút đánh giáp lá cà ác liệt, toàn bộ quân Pháp gần 200 tên đã bị Đại đội 811 diệt và bắt sống (đọc hồi ký của anh hùng Lê Văn Dỵ tôi đã hiểu, anh đã vận dụng tài tình kinh nghiệm đào hang bắt chuột của người nông dân quê anh để sáng tạo ra việc đào đường hào ngầm với nhiều ngách, công sự chiến đấu trên Đồi C1). 
 
Dám làm, dám chịu trách nhiệm
 
15 giờ 30 phút, ngày 30/4/1954, từ chỉ huy sở ở Khe Chít cách C1 hơn 1km, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng ra lệnh cho Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ qua điện thoại: “Đúng 19 giờ tối nay, trừ bộ tiêu cảnh giới, còn toàn bộ đại đội phải rút ra khỏi trận địa 200m về phía đột phá khẩu hướng đông để đảm bảo cho pháo binh ta chế áp”. Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ xin được làm ngược lại, chỉ rút khỏi trận địa 1 trung đội dự bị và tải thương, còn các lực lượng khác vẫn để ở công sự chiến đấu, với lý do: Rút ra sẽ lỡ thời cơ khi xung phong (địch trên C1 có đủ thời gian tổ chức phản công); bộ đội ta dễ bị sát thương bởi pháo địch ở Hồng Cúm và Mường Thanh bắn chặn; trận địa ta đã được củng cố vững chắc đủ sức chịu đựng đạn pháo và pháo binh ta đã bắn thử chính xác. Nhưng Trung đoàn trưởng Vũ Lăng không chấp thuận và kiên quyết yêu cầu Đại đội trưởng Dỵ phải nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh.
 
Sau ít phút cân nhắc và dấu cả Chính trị viên Bùi Đình Thận, Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ báo cáo Trung đoàn trưởng là đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh. Sau khi nhận được báo cáo của Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ là đã cho đại bộ phận lực lượng lùi xuống chân đồi 200m, từ chỉ huy sở ở Khe Chít, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng ra lệnh phát hỏa. Hai khẩu sơn pháo 75ly đặt trên Đồi D1 cùng súng cối và các cỡ súng bộ binh đồng loạt nhả đạn vào trận địa địch trên Đồi C1, đỉnh Đồi C1 rung lên những tiếng động kinh khủng. Khói đạn bao phủ hết quả đồi nhưng trận địa của Đại đội 811 vẫn bình yên vô sự. Sau ít phút bị bất ngờ,  đại bác, súng cối của địch từ Hồng Cúm, Mường Thanh bắn rất mạnh vào sườn đồi phía đông C1, nhưng bộ đội ta vẫn ung dung ngồi trong các công sự vững chắc của mình. Những ánh chớp nhoàng nhoàng đỏ rực liên tục của đại bác, súng cối ta vừa dứt, Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ liền hô vang: “Các đồng chí, theo tôi tiến lên!”. Chỉ sau 5 phút, Tiểu đội dao nhọn đã đánh chiếm được lô cốt Cột cờ và sau 45 phút chiến đấu toàn bộ quân địch trên C1 bị tiêu diệt và bắt sống. Ngay sau khi nhận được báo cáo của Chính ủy Chu Huy Mân là ta đã hoàn toàn làm chủ C1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký lệnh tặng thưởng tại trận cho Đại đội 811 “Huân chương Quân công hạng Ba”.
 
Ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ngày 18/5/2006
Trao tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cuốn hồi ký "Đâu có giặc là ta cứ đi". Ảnh chụp ngày 18/5/2006
 
Về sự kiện “chống lệnh” cấp trên của Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Đại đội 811 của ta đã có 20 ngày đêm phòng ngự tại C1 được lệnh rời khỏi trận địa 200m cho hoả pháo chuẩn bị. Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ thấy công sự đã được củng cố vững chắc đủ sức chịu đựng đạn pháo và tin vào sự chính xác của pháo binh ta, quyết định chỉ cho bộ phận dự bị lui về phía sau, toàn đơn vị vẫn bám trận địa để không lỡ thời cơ xung phong. Những cao điểm ta chiếm được ở khu đông phát huy tác dụng. Sơn pháo đặt trên đồi D1 nhằm từng hoả điểm trên C1 bắn rất chính xác. Dứt tiếng pháo, Dỵ lập tức ra lệnh mở những hàng rào cự mã ngăn cách giữa ta và địch, đưa bộ đội xông lên phía Cột cờ. Thủ pháo và lựu đạn của ta trùm lên trận địa địch, tiểu liên nổ ran. Chiến sỹ Thắng cầm cờ lao lên cách mục tiêu 10m thì trúng đạn hy sinh. Chiến sỹ Ân lấy chiếc chăn phủ lên người bạn, nhặt lá cờ thấm máu đồng đội, lỗ chỗ vết đạn, tiếp tục tiến lên mỏm đất cao nhất trên đỉnh đồi. Cả tiểu đội mũi nhọn bám sau anh.
 
Chỉ sau 5 phút, ta đã chiếm được Cột cờ.
 
Đại đội dù tiêm kích số 3 mới thay thế choáng váng trước đòn tiến công chớp nhoáng và quyết liệt. Quân dù bắn xối xả vào khu vực Cột cờ. Đại đội 1480 của ta từ phía dưới tiến lên đã kịp thời có mặt, cùng với 811 hình thành 2 mũi tiến công chia cắt quân địch để tiêu diệt. Những trận đánh giáp lá cà diễn ra. Viên trung uý Lơghe (Leguère) chỉ huy đại đội số 3 cố chống cự chờ lực lượng tiếp viện. Brêxinhắc quyết định đưa đại đội 1 lên tăng viện. Nhưng đã quá muộn, Trung uý Pêriu (Périou) chỉ huy đại đội chết ngay khi mới đặt chân lên đồi. Lát sau, đến lượt trung uý Lơghe bị trọng thương. Quân địch ở C1 mất dần sức chiến đấu. Có tên phủ bạt trên người nằm giả chết chờ tiếng súng yên sẽ đầu hàng. Nửa đêm, toàn bộ quân địch bị tiêu diệt. Dây thép gai và mìn lấy từ trận địa địch lập tức được trải ra sườn đồi thành một bãi chướng ngại vật dầy đặc đề phòng quân địch phản kích.
 
Sau hơn 30 ngày đêm liên tục chiến đấu, trận đánh tại C1 lúc này đã kết thúc. C2 nằm gọn dưới nòng pháo không giật của ta. Trời sáng, không thấy quân địch phản kích. Chỉ có những cỗ trọng liên 4 nòng đặt tại Êpécviê (sở chỉ huy của Đờ Cát) lồng lộn tuôn đạn về phía trận địa ta trên đỉnh đồi C1 như muốn ngăn chặn một đợt xung phong” (Võ Nguyên Giáp, “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, NxbQĐND, Hà Nội-2000, trang 370-373).
 
Trung tướng Lê Quảng Ba, nguyên Tư lệnh Đại đoàn 316 viết: “Ngày 10/4/1954, ở đồi C1, trận địa vẫn giằng co. Địch tập trung toàn bộ lực lượng và đem theo cả súng phun lửa, một thứ vũ khí mới lần đầu tiên địch sử dụng trên chiến trường Việt Nam. Chúng chiếm được Cột cờ, hất đơn vị của Vũ Lăng xuống nửa đồi thấp hơn. Không thể để địch chiếm được lợi thế, cả buổi tối hôm đó, chúng tôi tập trung theo dõi tình hình diễn biến ở C1, không nhòm ngó sang phía A1 được. Chúng tôi bổ sung cho Vũ Lăng 1 tiểu đoàn (D888 của E176) để đêm sau phản xung phong chiếm lại bằng được lô cốt Cột cờ. Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Cho đến sáng chúng tôi mới lấn thêm được ít đất. Đồi C1 vẫn chia làm hai, địch vẫn chiếm địa thế cao hơn ta. Chúng tôi được lệnh chiếm lại Đồi C1 bằng được để chuẩn bị cho đợt tổng công kích. 
 
Đêm 30/4, chúng tôi được lệnh tấn công.
 
Sau khi pháo ta ngừng bắn, đồng chí Lê Văn Dỵ đại đội trưởng đại đội chủ công là người quyết tâm nhất trong cách đánh tiếp cận này, dẫn luôn tiểu đội mũi nhọn lao lên phía Cột cờ. Bọn lính giữ súng phun lửa còn đang trong cơn sợ hãi, chúi trong hầm thì các chiến sỹ C811 đã ào ạt xốc tới diệt sạch. Những mũi xung kích khác cũng tiến công diệt địch rất mau lẹ. Trận chiến đấu kết thúc nhanh chóng không ngờ. Tin chiến thắng làm rộn rã cả sở chỉ huy..." (“Điện Biên Phủ trận thắng thế kỷ”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội-2004, tr. 377,  378).
 
Thượng tướng Vũ Lăng (nguyên Trung đoàn trưởng E98) viết: 
 
“Trước hết, tôi muốn nói tới chiếc Cột cờ. Đó là một vật chuẩn, đồng thời là một vị trí then chốt của quân Pháp, một địa điểm cao nhất trên đồi C1. Có thể nói, suốt 32 ngày đêm ròng rã trên đồi C1, các cuộc chiến đấu đều diễn ra giằng co, tàn khốc xung quanh cái Cột cờ ấy. Dù sau này, cái cột đã biến mất, cả cái trụ đá phía dưới cũng đã bị ĐKZ bắn nát, thậm chí cả khu đất cao ấy đã bị pháo, cối san bằng, chúng tôi vẫn cứ gọi nó là “Cột cờ”. Cột cờ, hai tiếng ấy luôn luôn được nhắc tới trong các mệnh lệnh chiến đấu, các bản kế hoạch và trong tất cả các câu chuyện hàng ngày của chúng tôi. Cột cờ, hai tiếng ấy đã làm đau đầu cán bộ, chiến sỹ chúng tôi không biết chừng nào và đã thu hút tất cả tâm trí, nghị lực của chúng tôi trong những ngày chiến đấu gay gắt ấy…
 
  Đêm 30/4/1954, theo đúng kế hoạch, chúng tôi bắt đầu chuyển sang tấn công. Những loạt trọng pháo lại rền vang. Đồi C1 lại chìm ngập trong lửa khói. Trời đất như đổ vỡ tan tành và chỉ một loáng sau, tin chiếm được Cột cờ đã bay về làm tưng bừng cả sở chỉ huy. Cuộc chiến đấu đã được chuẩn bị tốt nên diễn ra hết sức mau lẹ…
 
Đại đội trưởng Dỵ luôn luôn giữ vững liên lạc được với chúng tôi. Nhưng nội dung báo cáo của anh cũng có lúc thay đổi. Khi anh báo cáo đã chiếm được những lô cốt cuối cùng của địch, lúc anh báo cáo bị địch ở C2 cắt mất sườn, lúc lại báo có quân địch phản kích ở Mường Thanh đánh ra. Thấy vậy, chúng tôi lập tức ra quan sát để xác minh tình hình thực tế ra sao. Thì ra tất cả những tình huống khó khăn mà Dỵ báo cáo lên đều do những khẩu trọng liên 4 nòng quái ác ở bên bờ sông Nậm Rốm bắn tới.
 
Sau đó Dỵ liên tiếp báo cáo:
 
-  Chiếm được Cột cờ rồi!
-  Chiếm lại được hoàn toàn C1 rồi!
-  Chúng tôi đã bắt sống và tiêu diệt hoàn toàn quân địch!
 
Những tin tức bay về vang rộn như những hồi kèn chiến thắng. Thế là sau đúng 32 ngày đêm cực kỳ ác liệt, gian khổ, bây giờ C1 mới hoàn toàn về tay chúng tôi...” (“Vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, in lần thứ tư, NxbQĐND, Hà Nội-1977, tr. 165-167). 
 
1954, Điện Biên Phủ (trọng liên địch ở cầu Mường Thanh)
1954, Điện Biên Phủ (trọng liên địch ở cầu Mường Thanh)
 
Chiến công nối tiếp chiến công 
 
Sau khi tiến công giành được C1, Đại đội 811 do Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ chỉ huy tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ chốt chặt trên C1 làm bàn đạp cho Đại đoàn tiến công tiêu diệt tiếp 2 cứ điểm quan trọng cuối cùng là A1 và C2. Sáng 7/5/1954, Trung đoàn 98 tổ chức tấn công C2 và Đại đội 811 (D888, E176) được trao nhiệm vụ là đơn vị chủ công của trận đánh. Sau 1 giờ chiến đấu giáp lá cà ác liệt, ta đã diệt tại chỗ 200 tên, bắt sống hơn 400 tên cùng 2 bộ khung chỉ huy tiểu đoàn của chúng. Trận tiêu diệt đồi C2 là trận đánh quan trọng cuối cùng của bộ đội ta tại chiến trường Điện Biên Phủ.
 
Sự kiện đặc biệt thứ ba: Ai đã nói “Đâu có giặc là ta cứ đi!”?
 
Kể từ dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đến nay sự kiện này đã được giải mã. Nhiều Tướng lĩnh, Nhà văn, Nhà báo và cựu chiến binh đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định, Anh hùng Lê Văn Dỵ chính là tác giả câu nói nổi tiếng này - câu nói đã khơi nguồn cảm hứng cho Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ca khúc ''Hành quân xa" - bài hát được hoàn thành trong lúc hành quân, trước khi trận Điện Biên Phủ mở màn và đã góp phần khích lệ mạnh mẽ ý chí giết giặc lập công của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. ''Hành quân xa" với lời ca hùng tráng, tràn đầy lạc quan “Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi” đã tiếp tục ngân vang trên mọi ngả đường hành quân xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ, và nó sẽ còn vang mãi trong tâm trí, tình cảm của các thế hệ thanh niên Việt Nam.   
 
Chiến công đặc biệt xuất sắc và tờ Giấy khen
 
“dám trái lệnh cấp trên”, nên dù lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cá nhân Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ chỉ được nhận  “Giấy khen” do Tư lệnh Đại đoàn Lê Quảng Ba ký tặng (trong khi Đại đội 811 do anh chỉ huy đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng thưởng tại trận “Huân chương Quân công” ngay sau khi trận đánh C1 vừa kết thúc). Tấm “Giấy khen” này cùng nhiều kỷ vật khác của anh đã được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, như cuốn Hồi ký “Đâu có giặc là ta cứ đi”; tấm “Huân chương Chiến công hạng Hai” (do đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn lên ngực áo anh vì chiến công đặc biệt xuất sắc tại trận đánh giáp lá cà với hơn 1000 tên giặc Pháp tại sân bay Bằng Khẩu, Bắc Kạn ngày 15/8/1949) và chiếc ca-men anh sử dụng tại chiến trường Lào trong kháng chiến chống Mỹ.
 
Vĩ thanh
 
Ngày 8/7/2008, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định truy tặng liệt sỹ Lê Văn Dỵ danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do đã lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Phần thưởng cao quý này, theo thiển nghĩ của tôi, thì người Đại đội trưởng anh hùng xứng đáng được nhận từ khi tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng dù lý do gì thì đây cũng là một kết thúc có hậu, cho vong linh người đã khuất và động viên người thân của ông, tuy có muộn màng. Mặt khác, đây còn là ghi nhận thành tích, hy sinh xương máu trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 316 Anh hùng, mà cá nhân liệt sỹ Lê Văn Dỵ và một số cán bộ, chiến sỹ khác là đại diện.
 
Trần Thị Tài 
.