Điều cần thiết ở người đứng đầu là chỉ đạo giải quyết vụ việc cụ thể chứ không thể đổ lỗi cho cơ sở hay vin vào văn bản trên giấy mãi được!
 
Vụ "nhân bản" hàng nghìn giấy xét nghiệm máu tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) bị phanh phui đã gần một tháng nhưng đến ngày 20/8, tại Hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng bộ Y tế mới chính thức lên tiếng về vụ việc.
 
Theo đó, bà Tiến cho rằng, trong công tác quản lý ngành, trách nhiệm của Bộ là ban hành văn bản pháp luật, chủ trương chính sách, đốc thúc thực hiện các quy định, nhưng triển khai thực thi chính sách là nhiệm vụ của chính quyền. Do vậy, việc thực thi sai ở chỗ nào, cấp nào, ai làm không nghiêm thì sẽ phải xử lý cho nghiêm.
 
Nếu cơ sở nào làm sai, giám đốc và các trưởng, phó khoa liên quan sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Liên quan tới vụ ba trẻ tử vong sau khi tiêm vắc -xin tại tỉnh Quảng Trị, bà Tiến cũng cho biết, mọi việc vẫn đang được điều tra,  tuy nhiên do cơ quan công an đang tiến hành thụ lý, do vậy để khách quan sẽ đợi bộ Công an công bố?!
 
Vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) đã phần nào nói lên sự yếu kém trong quản lý, giám sát, thanh - kiểm tra hoạt động xã hội hoá thiết bị y tế và chuyên môn của ngành y. Việc xã hội hoá này đang "bất ổn" là do ngành y tế, chứ không phải do xã hội không đóng góp vật chất cho ngành.
 
Trao đổi với PV, nguyên đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông cho rằng:  Thời gian gần đây, ngành y tế liên tục xảy ra các vụ việc chấn động, gây phẫn nộ trong dư luận. Bộ Công an đã thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật là đúng. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận trách nhiệm của bộ Y tế nói chung và Bộ trưởng bộ Y tế nói riêng trong vụ việc này.
 
Bệnh nhân đến khám lại tại BV ĐK Hoài Đức sau khi vụ
Bệnh nhân đến khám lại tại BV ĐK Hoài Đức sau khi vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm bị phát giác.
 
Ông Cuông nêu quan điểm: "Tôi cũng không bất ngờ lắm trước cách phát biểu này, vì Bộ trưởng cũng đã phát biểu nhiều lần trước công luận. Nói "ai gây ra hậu quả thì phải lãnh trách nhiệm" hay nói "trách nhiệm của bộ Y tế là quản lý vĩ mô toàn lĩnh vực, trong lĩnh vực có sự phân cấp đến cơ sở"... thì hoàn toàn đúng theo những quy định đã đặt ra.
 
Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, bộ Y tế quản lý toàn bộ lĩnh vực y tế nên Bộ cũng phải có trách nhiệm với vụ việc này. Bộ chỉ cần ra một Thông tư thôi sẽ có hiệu lực rất lớn. Tất cả các cấp từ tỉnh đến xã sẽ nghiêm chỉnh thực hiện. Tôi nghĩ đây là một phát biểu chưa thể hiện trách nhiệm của một chính khách.
 
Là một chính khách, ngoài trách nhiệm về pháp lý, trách nhiệm về chính trị, đối với lĩnh vực y tế còn cần có sự sẻ chia về tình cảm. Trách nhiệm của Bộ không chỉ quản lý về chính sách vĩ mô, đề xuất chế độ... mà còn cần đi sâu, đi sát vào thực tế, theo dõi chỉ đạo và giám sát các hoạt động khám chữa bệnh địa phương, xử lý hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh. Có như thế thì việc thực thi pháp luật trong ngành y tế mới tốt được".
 
Và câu chuyện “đắp chiếu” của ngành y 
 
Bộ trưởng phải xuống tận nơi
 
Ông Lê Văn Cuông cho rằng: "Khi nhận được tin xảy ra ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Bộ trưởng bộ Y tế phải xuống tận nơi để khảo sát nắm tình hình vụ việc và xem xét cái gọi là xã hội hoá trang thiết bị y tế. Từ đó có những phối hợp với địa phương để làm rõ nguyên nhân sự việc, quy rõ trách nhiệm của từng bộ phận, xử lý đến nơi đến chốn. Bộ cần có lời xin lỗi với nhân dân và nhận thiếu sót về mình. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cần rung tiếng chuông cảnh tỉnh về tình trạng con sâu làm rầu nồi canh đối với toàn ngành y tế".

Một trong những nội dung được đưa ra báo cáo tại Hội nghị trên là vấn đề nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và sự quá tải bệnh viện. Hiện, ngành này vẫn chưa có vốn để triển khai các dự án giá trị khoảng 7.500 tỷ đồng.

 
Theo đó, ngành y tế tiếp tục khuyến khích đầu tư từ xã hội vào ngành. Tuy nhiên qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện có rất nhiều thiết bị y tế được trang bị, đầu tư bằng ngân sách Nhà nước cho các bệnh viện (từ Trung ương tới địa phương) đang trong tình trạng nằm "đắp chiếu", bị hỏng hóc, trong khi giá trị sử dụng hầu như là con số 0.
 
Cụ thể, tại bệnh viện huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), có 3 máy hút dịch, 1 máy tạo ôxy, 1 máy thở có chức năng gây mê, 1 máy thở Acoma, 1 máy điện tâm đồ. Song trong đó, máy gây mê được trang bị 4 năm nay theo Đề án 225 nhưng chưa sử dụng đến. Hay tại bệnh viện đa khoa Yên Bái có 3 chiếc máy thở trên tổng số 8 chiếc máy thở với nhiều đời khác nhau đang bị bỏ không.
 
Không chỉ ở bệnh viện tuyến tỉnh, trong đợt phòng chống, điều trị dịch bệnh SARS năm 2003 và dịch cúm H1N1 năm 2009, bộ Y tế đã đề xuất mua các thiết bị để hỗ trợ điều trị dịch bệnh, tuy nhiên, đến khi thiết bị về đến nơi thì dịch bệnh đã qua, hoặc có thiết bị nhưng không ai biết dùng.
 
Tháng 6/2009, bộ Y tế khảo sát thiết bị y tế chống dịch thì 14 máy đo thân nhiệt từ xa mua hoặc được tặng sau dịch SARS 2003 hầu hết đều bị hỏng. Một phần đáng kể trong số 1.000 máy thở mua chống dịch H5N1 năm 2005 gặp phải tình trạng "đắp chiếu" do máy cấp cho bệnh viện huyện nhưng cán bộ... không biết dùng.
 
BS Ngô Xuân Sinh, nguyên cán bộ bệnh viện Hữu Nghị nhận định, việc đầu tư không đồng bộ sẽ gây ra những hậu quả rất lãng phí. Không riêng gì trang thiết bị y tế, ngay cả chuyện quá tải bệnh viện công cũng đang là vấn đề nhức nhối. Hầu hết người dân đều hiểu có sự khác nhau giữa hệ thống y tế tư nhân và hệ thống y tế công, mỗi một bệnh viện tư nhân lượng người đến khám chữa bệnh đáp ứng được về giá thành mỗi gói dịch vụ y tế riêng biệt. Riêng ở bệnh viện công, lượng bệnh nhân đông, quá tải là do đối tượng người nghèo mắc bệnh nhiều, họ chỉ biết dựa và trông chờ vào ngân sách là chính.
 
Vì vậy, họ sẽ bám lấy cùng, bằng mọi cách. Nếu muốn dịch vụ tốt hơn rõ ràng họ phải tìm ra tuyến cao hơn. Tuy nhiên, mọi chi phí ở bệnh viện công chưa hẳn đã thấp hơn tư nhân, bởi ở đây có những khoản không đưa vào chi phí được, trong khi đó ở bệnh viện tư lại có các mức, bảng giá rõ ràng.
 
Chính vì vậy, điều cốt yếu phải có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách sao cho phù hợp với từng vùng miền, có như vậy chính sách y tế mới phát triển và người dân tiệm cận dịch vụ y tế ngày một tăng, chứ đừng có kêu thiếu để rồi có được đầu tư nhưng lại không giám sát, bỏ hỏng gây lãng phí.
 
 tHEO H. Anh - H. Dương
Nguoiduatin.vn