Sau khi báo Bảo vệ pháp luật có bài viết “Đến chùa Dơi giải mã bí ẩn ngàn năm về loài dơi khổng lồ và mộ heo 5 móng”, PGS-TS Vũ Đình Thống – Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, người Việt Nam đầu tiên chuyên nghiên cứu về dơi của Việt Nam, vừa được giải thưởng về Nghiên cứu dơi của Hội nghiên cứu dơi Bắc Mỹ (tháng 10/2019) đã chủ động liên lạc và cung cấp thêm thông tin.
Trên cơ sở nghiên cứu khoa học, giải mã những bí ẩn xung quanh loài dơi ở chùa Dơi, để bạn đọc có cái nhìn đúng đắn, chính xác, cũng như làm rõ những thông tin về đàn dơi đang đứng trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng do bị săn bắt trái phép và mất sinh cảnh sống, PGS.TS Vũ Đình Thống cho biết...
Đàn dơi ở chùa Dơi đang bị suy giảm nghiêm trọng
Theo PGS-TS Vũ Đình Thống, đàn dơi ở chùa Dơi đã và đang bị suy giảm nghiêm trọng trong khoảng 20 năm qua do hiện tượng săn bắt trái phép và mất sinh cảnh sống. Nhiều người tin rằng đàn dơi ở chùa Dơi lên đến hàng triệu con, nhưng thực tế số lượng dơi ở chùa Dơi ít hơn rất nhiều.
|
|
Chính điện chùa Dơi nơi có đàn dơi hàng ngàn con sinh sống. |
PGS-TS Vũ Đình Thống cho biết, theo những hình ảnh ghi lại được, bao gồm 1 hình ảnh treo trong phòng tiếp khách của sư trụ trì chùa Dơi chụp khoảng năm 1990, đàn dơi khi đó cũng chỉ khoảng 10.000 cá thể, không đến hàng triệu con.
“Thực tế các loài dơi sinh sống ở chùa Dơi mà bài báo đề cấp thuộc giống dơi ngựa. Đặc điểm của giống dơi này không thể sống theo đàn đến một vài chục nghìn là kỷ lục và trong điều kiện lý tưởng (đầy đủ thức ăn, môi trường sống an toàn,không bị săn bắt)” – PGS-TS Vũ Đình Thống cho biết.
|
|
Đàn dơi ở chùa Dơi đang bị suy giảm nghiêm trọng. |
Nhà khoa học chuyên nghiên cứu về dơi của Việt Nam thông tin, năm 2013- 2014, UBND tỉnh Sóc Trăng và Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc đã cấp kinh phí nghiên cứu hiện trạng của đàn dơi này, đồng thời 1 thạc sĩ của Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện luận văn Thạc sĩ nghiên cứu về hiện trạng và tập tính của đàn dơi này.
Kết quả cho thấy đàn dơi ở chùa Dơi có số lượng rất hạn chế, chỉ từ 450 đến 1.800 cá thể, vì vậy không thể có hàng triệu con như ước tính của nhiều người.
Theo PGS-TS Vũ Đình Thống, hiện nay đàn dơi ở đây bị suy giảm nghiêm trọng. Đàn dơi này hoàn toàn hiền lành, không có tập tính hay khả năng tấn công những đối tượng nào.
Thuộc loài dơi ngựa ly-lê
Nhiều người dân cho rằng, dơi ở chùa Dơi thuộc loài "dơi khổng lồ". Thông tin này theo PGS-TS Vũ Đình Thống là sai nghiêm trọng, vì đàn dơi ở chùa Dơi đã được nghiên cứu, xác định là loài dơi ngựa, có đặc điểm của loài dơi ngựa ly-lê.
“Thực tế trong khu vực Đông Nam Á, dơi ngựa có 3 loài. Theo những tài liệu trước đây (chỉ đoán định chứ không có minh chứng cụ thể) cả 3 loài dơi đó (bao gồm dơi ngựa lớn, dơi ngựa bé và dơi ngựa Ly-lê) đều sinh sống ở chùa Dơi. Tuy nhiên, kết quả quan sát và nghiên cứu từ năm 2004 – 2014, đàn dơi ngựa ở chùa Dơi có đặc điểm của loài dơi ngựa ly-lê. Một số cá thể nhỏ quan sát có thể thuộc loài dơi ngựa bé” – PGS-TS Vũ Đình Thống cho biết.
|
|
Dơi ngựa ở Sóc Trăng (Ảnh: Tuổi trẻ). |
Theo PGS-TS Vũ Đình Thống, những cá thể dơi ở chùa Dơi nhẹ cân hơn những cá thể cùng loài ở Thái Lan. Thậm chí có chuyên gia của Đức nhận định đàn dơi ở chùa Dơi bị thiếu thức ăn, sinh cảnh sống bị suy giảm nên cân nặng nhẹ hơn nhiều ở Thái Lan và các nước lân cận.
“Năm 2013-2014 chúng tôi trực tiếp nghiên cứu và thấy: Không có cá thể nào nặng hơn 600g. Mặt khác, đặc điểm của loài, ngay cả những điều kiện tối ưu thì cũng chưa bao giờ ghi nhận được cá thể nào của loài dơi ngựa ly-lê nặng hơn 1.200g” – PGS-TS Vũ Đình Thống khẳng định.
Việt Nam chỉ còn 2 nơi có loài dơi này sinh sống
PGS-TS Vũ Đình Thống cho biết, trong tập tính tự nhiên, các loài dơi ngựa từng phân bố rộng khắp khu vực sống Mê-kông. Tuy nhiên do săn bắt nghiêm trọng trong những thập kỷ trước, sinh cảnh tự nhiên bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng nên hiện nay chỉ còn 2 địa danh có dơi ngựa sinh sống cố định là Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ(TP Hồ Chí Minh) và chùa Dơi.
|
|
Chùa Dơi hiện nay là 1 trong 2 nơi duy nhất ở Việt Nam có loài dơi ngựa sinh sống.
|
Việc đàn dơi ở chùa Dơi chỉ đi tìm kiếm thức ăn ở xa, theo PGS-TS Vũ Đình Thống điều này chưa chính xác.
“Thực tế ngay cách chùa Dơi khoảng 500m, chúng tôi nghiên cứu năm 2013-2014 đã có 1 lưới căng trên ngọn cây trong vườn của 1 nhà dân để bắt, phòng chống dơi ngựa ăn trái cây. Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu và theo dõi hơn 12 tháng của Học viên cao học của Trường đại học Cần Thơ cho thấy có nhiều cá thể dơi ngựa ăn ngay trái cây cạnh cổng sau của chùa Dơi".
"Đây là tập tính tự nhiên của các loài dơi ăn quả. Bất cứ ở đâu có nguồn thức ăn thì chúng đến. Thậm chí chúng có thể ăn ngay những cây Trứng Cá trồng 2 bên đường quanh chùa Dơi”- PGS-TS Vũ Đình Thống cho biết.