Buổi giới thiệu, giao lưu có sự hiện diện của diễn giả TS. Hà Thanh Vân (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cùng hàng trăm bạn đọc, gồm nhiều Tiến sĩ, nhà văn, nhà thơ và học trò của nhà báo Nguyễn Hồng Lam.
|
|
Quang cảnh buổi giới thiệu sách và giao lưu cùng bạn đọc (ảnh: Lê Xuân Thọ). |
“Bản tình ca khúc khuỷu” là tập hợp 16 truyện ký về “những con người thật, những sự việc đã xảy ra, những cuộc đời cụ thể đã bị số phận khắc dấu”. Đó là cuộc đời hai người phụ nữ Võ Thị Gặp và Lữ Thị Toán gồng gánh một mình chăm sóc gia đình, sau khi chồng đi bộ đội, để rồi khi chiến tranh kết thúc, chồng trở về, hai bà nhận ra mình không thể có thai, và quyết định cho chồng lấy vợ khác để “góp hai cuộc đời lại cho một cuộc đời” (Hai bà mẹ xóm Cồn).
|
|
Thượng tá, nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam giao lưu cùng bạn đọc (ảnh: Phú Lữ). |
Đó là tình yêu son sắt, chung thủy của cô giáo trẻ Ngọc Điệp đối với người yêu chịu án tù chung thân, nhưng khi sự thật được phơi bày thì “Cuộc đời cô, tình yêu của cô, gió bụi cuộc đời đã rứt đi, tan tác biết mấy thu rồi…!” (Bản tình ca khúc khuỷu).
Đó là nỗi khao khát được làm mẹ, được có một gia đình của chị Mâu, vì vậy chị nhận nuôi bé Xuyến, rổ rá cạp lại với một người đàn ông, nhưng ước mơ giản dị đó lại dễ dàng vụn tan ra bởi đói nghèo đeo bám; và bé Xuyến lớn lên trong tình thương của mẹ nuôi, nhưng tình thương ấy lại không đủ sức dạy dỗ bé trưởng thành đúng nghĩa, “Đời nó rồi cũng không khá gì hơn bố mẹ đẻ của nó đâu” (Những đứa trẻ không có mùa thu).
|
|
Thượng tá, nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam ký sách tặng bạn đọc (ảnh: Lê Xuân Thọ). |
Và nhiều mảnh đời khác nữa, tang thương có, bi kịch có, nhưng ẩn sâu bên trong là nghị lực sống, là sống cho xứng đáng kiếp làm người, vì “thiên chức buộc họ trót phải mang… có tên chung là ngõ đàn bà”.
Đúng như trải lòng của TS Hà Thanh Vân: “Khi đọc văn anh Lam, tôi luôn thấy cheo leo, ghềnh thác trong những câu chữ khách quan, tuôn xuống xót xa. Có một điều tôi luôn cảm nhận được khi đọc tác phẩm của anh Lam đó là bi kịch lạc quan, đằng sau bi thảm của thế nhân dường như vẫn thấy hi vọng, thấy niềm tin”.
|
|
Diễn giả, Tiến sĩ Hà Thanh Vân chia sẻ tại buổi giao lưu (ảnh: Lê Xuân Thọ). |
Giao lưu với bạn đọc, nhà báo Nguyễn Hồng Lam nói rằng mình không có nhiều trải nghiệm với phụ nữ, nên sợ rằng cuốn sách sẽ không đủ đầy và thực tế cuốn sách chỉ dày hơn 200 trang. Tuy vậy, mỏng dày không phải vấn đề quan trọng, điều đáng nói là những gì trong cuốn sách ấy có thể truyền tải tới người đọc.
Tiến sĩ Bùi Trân Phượng (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen) cho biết bà chỉ mới nhận sách chưa đến 48 tiếng đồng hồ nhưng bà đã đọc và không thể rời nó ra được cho đến trang cuối cùng.
|
|
Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng phát biểu tại sự kiện (ảnh: Nguyễn Trà). |
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Đúng không thể ngờ được trong cuộc đời này lại có những người phụ nữ như vậy. Nếu không va chạm, không thể có được những câu chuyện chạm đến cảm xúc như vậy”.
|
|
Bìa cuốn sách "Bản tình ca khúc khuỷu" của Thượng tá, nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam. |
Đúc kết về tác phẩm của mình, tác giả Nguyễn Hồng Lam chia sẻ: “Tất cả những nhân vật trong cuốn sách đều không nổi tiếng. Nhưng với tôi, họ đều là những cuộc đời kỳ vĩ. Cuộc đời, hoặc phần đời im lặng nào đó của họ đã nói được rất nhiều điều, nhiều hơn tất cả những gì họ có thể kể, khiến người khác, ít nhất là khiến tôi, đôi khi, phải tự nhủ mình im lặng để mà suy nghĩ. Họ sống như đã sống, sống xứng đáng, vì đơn giản, đó đều là những con người đã sống đến kiệt cùng đời họ, đi đến nấc giản dị cuối cùng mà thiên chức buộc họ trót phải mang. Thiên chức ấy có tên chung là ngõ đàn bà. Ở đó, niềm vui thường thoáng qua, nỗi buồn thì đọng mãi”…